Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 1.

Khi nói chuyện với tỷ phú nông dân Hoàng Đình Quê về hành trình lập nghiệp làm giàu, tôi luôn nghĩ đến câu tục ngữ này, câu tục ngữ muốn hướng con người đừng bao giờ mất niềm tin và hy vọng. Và thực tế, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, người nông dân ấy cũng tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Anh Quê này, tôi vẫn còn nhớ trong buổi giao lưu Nông dân Việt Nam xuất sắc nhân kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được tổ chức tại chính sân nhà anh vào năm 2022, khi nói về con đường làm giàu của mình, anh đã xúc động rơi nước mắt. Chắc hẳn với anh đó là một chặng đường không thể nào quên?

- Bố mẹ tôi là những nông dân chất phác ở vùng quê này, ngày xưa nhà tôi thuộc diện nghèo nhất làng, xưa kia chỉ vì một năm đốt hỏng 7 cái lò gạch mà ông bà phải gán đất bỏ làng vào khu đất hoang vu, heo vút dưới chân núi Cô Tiên khai hoang, lập nghiệp, đúng kiểu "1 túp lều tranh 2 trái tim vàng" đấy. Khó khăn đến nỗi bản thân tôi phải bỏ đi 2 lần để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Bạn cứ thử tưởng tượng, xung quanh đồng trắng nước trong, đường vào không có, biết lấy gì mà sinh sống, chỉ còn cách rời làng thôi.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 2.

Tôi vẫn nhớ năm 1989, quê tôi rộ lên phong trào di dân vào tỉnh Lâm Đồng khai hoang, phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới. Vợ chồng tôi lúc đó mới cưới, cũng có ý định vào hẳn trong đó lập nghiệp. Tuy nhiên, bố tôi - người nông dân quanh năm lam lũ, vất vả lại không muốn con trai đi xa. Ông bảo: "Hai đứa ở lại quê mà làm ăn. Vào Lâm Đồng cũng khai hoang phục hóa thì có khác gì ở đây cải tạo khu đồng trũng, hoang hóa ngoài rìa núi Cô Tiên này đâu".

Nghe lời bố, vợ chồng tôi quyết định không đi Lâm Đồng nữa, ở lại vùng đất dưới chân núi Cô Tiên này với tài sản là vài cái nồi niêu, bát đĩa, bao thóc. Thời điểm ấy, bao nhiêu cái khó nhất vợ chồng tôi đều nếm trải: Nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất. Đường vào không có, vợ chồng tôi chỉ có cách đi bộ hoặc chèo thuyền. Tôi dựng tạm ngôi nhà tre để tiện cho việc ngả lưng nghỉ ngơi buổi trưa. Cứ mỗi khi trời mưa to, nhìn đồng nước trắng mênh mông, cây dại, cỏ lau mọc ngang lưng mà lòng lại như có lửa.

Được thời gian ngắn không thể trụ được, đến năm 1991, hai vợ chồng tôi ngán ngẩm đành quay về làng… làm nghề thịt lợn. Tôi cũng không ngờ, đây chính là sự khởi đầu để tôi và gia đình có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Tôi nhớ, đó là thời điểm dịch bệnh bùng phát, bà con bán chạy lợn rất nhiều với giá rẻ như cho. Cả ngày lẫn đêm, họ liên tục gọi vợ chồng tôi đến bắt lợn. Có lần, trong đàn lợn vợ chồng tôi mua có một con lợn nái đang có thai, tôi thương quá không nỡ thịt nên để ở sân đằng sau, nấu cháo cho nó ăn. Vậy mà bằng một cách nào đó, con lợn gượng dậy, chỉ sau 1 tuần chăm sóc, nó khỏe hẳn và sau đó đẻ được đàn lợn con nom rất thích mắt. Đợt đó, chỉ riêng tiền bán đàn lợn con, vợ chồng tôi lãi được hai chỉ vàng. Sau lần đó, vợ chồng tôi vừa buôn lợn vừa vào đàn nuôi thêm những lứa lợn mới.

Có đợt, nạn đề đóm sinh ra ở các địa phương, các chủ thợ bỏ nghề hết để đi đánh đề. Họ bảo "sáng cấy chiều gặt" thích hơn nên người ta chả buồn thịt lợn, chỉ còn lại vợ chồng tôi vẫn cung cúc làm ăn, tận tụy với nghề. Mấy năm đó, vợ chồng tôi cũng kiếm được chút vốn.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 3.

Đang buôn bán ăn nên làm ra, tại sao vợ chồng anh lại quyết định quay về Quỳnh Sơn làm trang trại?

- Sau 8 năm kể từ khi rời bỏ khu đất trũng hoang hóa dưới chân núi Cô Tiên, đi buôn bán khắp nơi tích cóp được số vốn kha khá, năm 1999, vợ chồng tôi quyết định quay về Quỳnh Sơn. Lúc đấy, tôi đổi miếng đất mặt đường cho ông anh trai để lấy chiếc xe máy Dream Thái. Miếng đất bây giờ anh tôi vẫn còn giữ.

Hồi đó, anh tôi cứ bảo: "Chú tính bao tiền anh trả". Tôi mới nói như này: "Nếu bây giờ em mà nghĩ đến lấy tiền của anh, em lại bỏ đi lần nữa nên em không lấy tiền, chỉ lấy cái xe làm kỷ niệm. Không còn tiền, em sẽ không đi đâu được nữa".

Về Quỳnh Sơn, tôi dồn hết tiền của, công sức gây dựng trang trại. Lúc đầu, tôi nuôi dê nhưng đường đi khó, nuôi rồi chả biết bán cho ai. Làm trại lợn cũng thế, nuôi nhưng không có người đến mua. Hoặc có người đến mua thì nợ mãi không trả, nợ âm cả vào tiền vốn, tiền cám.

Chăm chỉ, miệt mài làm việc bất kể ngày đêm, mồ hôi, nước mắt rơi xuống mặn đắng nhưng không đi đến đâu, hai vợ chồng không biết làm cách nào trả nợ. Lúc đó, tôi bỏ đi lần nữa cũng không đành vì còn gia đình phải chăm lo, vả lại tôi đã bỏ đi rồi lại quay về Quỳnh Sơn, giờ trắng tay lần nữa thì không còn mặt mũi nào nhìn anh em, họ hàng.

Năm 2001, ở quê tôi có phong trào đi giúp việc ở Đài Loan. Không còn cách nào, vợ tôi sang Đài Loan làm việc, còn tôi ở nhà bám trụ trang trại. Vợ tôi đi một lèo hơn 6 năm trời. Thời đó, vợ tôi làm hơn 20 triệu một tháng cũng to lắm.

Khi vợ tôi sang Đài Loan, bạn bè ở nhà bảo: "Mày cho đi Đài Loan là mất vợ". Tôi liền bán đàn bò, dê ở nhà gom được 10 triệu, nhờ đứa cháu gái ở Đài Loan bảo lãnh thủ tục cho tôi sang đó 3 tháng. Vợ tôi khuyên hai vợ chồng ở lại Đài Loan tìm việc làm nhưng mọi thứ không dễ dàng đến thế. Trong 3 tháng ở Đài Loan, tôi đi vác gỗ trong rừng rồi quay sang làm thợ hàn nhưng bị đau mắt, đêm nằm không ngủ được. Tôi bảo đứa cháu: "Chú sai lầm quá, mày cho chú về quê thôi".

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 4.

Tôi về nhà đi làm thuê đủ nghề. Tôi đi cai máy xúc, chính vì đi cai máy xúc, tôi mới nảy ra ý tưởng đất này chỉ có máy móc mới thay đổi được. Bởi nếu không có đường đi, không có người làm thì mảnh đất dưới chân núi Cô Tiên này sẽ mãi hoang vu như thế.

Đến năm 2008 vợ tôi về hẳn, tiền của nhà tích cóp được rồi vay thêm anh trai, tôi dồn được đầy một ống bơ vàng. Tôi gan đến mức dám đi một mình đeo nguyên cái bọc đựng vàng xuống Hải Dương mua máy xúc. Mang bọc vàng xuống Hải Dương, họ còn tưởng tôi ăn cướp ở đâu về (cười). Nhìn số nhẫn tay, dây chuyền vàng nhiều quá họ sợ không dám mua, bắt tôi đưa chứng minh thư. Mua máy xúc hết 850 triệu đồng, nhìn tôi thật thà họ thương nên bớt cho còn 845 triệu đồng.

Có máy xúc, tôi về san lấp, cải tạo lại trang trại, làm lại đường đi. Lối mòn từ trong làng ra khu vực đồng chỉ đi được xe đạp, tôi mở rộng thêm đường để cho xe cải tiến, xe công nông chở vật liệu đi vào. Lúc đó, dân làng kháo nhau: "Đúng là cái thằng hâm, ai đi đường này mà mở rộng thế". Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu nếu không mở đường thì không thể phát triển được. Đến năm 2018, tôi lại bê tông hóa toàn bộ con đường vào đến tận nhà. Vất vả đến tận cùng.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 5.

Trở thành tỷ phú từ nghề nuôi lợn, nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Đình Quê còn là người đầu tiên ở huyện Yên Dũng thực hiện mô hình chăn nuôi gia công; cũng là người xây dựng quy trình chăn nuôi tuần hoàn không chất thải và giành giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10 và Giải Nhất Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 6.

Tôi được biết, anh là người đầu tiên ở huyện Yên Dũng thực hiện mô hình chăn nuôi gia công cho các công ty. Tại sao anh lại chn con đường này?

- Tôi vẫn cho rằng, việc liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp sẽ giúp hạn chế bớt rủi ro, cho đến bây giờ, trong trang trại của tôi vẫn duy trì một nửa số lượng đàn theo mô hình chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 7.

Bởi như tôi đã kể với các bạn, thời gian đầu chăn nuôi lợn, dê tôi không bán được. Tôi đi thăm một số mô hình nuôi thỏ, gà ở các địa phương khác, thấy người ta chỉ việc chăm sóc cho tốt, còn việc bán không phải lo, có công ty về tận nơi thu mua cho mình. Thấy lạ, tôi hỏi bạn thì được biết đây là mô hình chăn nuôi gia công với các công ty, doanh nghiệp.

Lúc đó, tôi cũng đang nuôi 400 con lợn, bán cho thương lái nhưng mãi chả lấy được tiền mà trả tiền cám. Được bạn giới thiệu, quản lý doanh nghiệp có chi nhánh ở tỉnh Bắc Giang về tận nhà tôi khảo sát mô hình. Anh quản lý đó bảo ở đây chăn nuôi lợn tốt hơn nuôi gà. Nhưng khả năng tài chính của tôi khi đó chỉ xây được phần chuồng, còn các phần khác như kho chứa cám hay đầu tư hệ thống đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi theo quy định tôi chưa làm được.

Thuyết phục mãi phía công ty cũng đồng ý đầu tư cho tôi nuôi gia công. Thả lứa lợn đầu tiên, ông giám đốc còn trực tiếp về tận nhà tôi. Đường xấu, xe sụt trầy trật mãi đến 1 giờ chiều vẫn không lên được, lợn cũng không về được đến nhà.

Lứa lợn đầu tiên gia công tôi nhận nuôi 550 con. Chăn nuôi mát tay đàn lợn hồng hào, lớn nhanh, đủ tiêu chuẩn xuất bán cho công ty. Lúc cân bán, người quản lý công ty bảo, đang thừa ra 5 con lợn, tôi cũng tưởng thật, anh em bán lợn rồi đi chơi đẫy một ngày trời. Nhưng hóa ra không phải thế, vi phạm hợp đồng, số lợn bán ra bên ngoài tôi phải đền gấp 5 lần, tức là 100kg lợn phải đền thành 500kg lợn. Một bài học đắt giá cho việc liên kết làm ăn.

Hiện tại, tôi vẫn duy trì một số chuồng nuôi gia công. Thời điểm năm ngoái giá lợn hơi xuống thấp quá, nếu không nuôi gia công là chết. Mỗi năm nhà tôi nuôi 2.500 con lợn, trong đó nhận nuôi gia công hơn 1.000 con lợn.

Từ bài học phải đền gấp 5 lần cho 5 con lợn bán ra ngoài, anh thấy cách làm và tư duy quản lý của doanh nghiệp có khác nhiều so với chăn nuôi nuôi họ nhỏ lẻ không?

- Khác nhiều chứ! Doanh nghiệp họ rất chuyên nghiệp, bài bản và kỷ luật. Con trai tôi sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra trường cũng đi làm cho công ty Thái Lan 2 năm để lấy kiến thức, kinh nghiệm sau còn về tiếp quản trang trại của gia đình. Từ Tết năm 2024, nó chính thức về tiếp quản trang trại, có con về làm cùng, bây giờ tôi thong thả hơn rất nhiều.

Rất nhiều chủ trang trại nuôi lợn đã phải bỏ nghề vì giá lợn hơi từng xuống thấp kỷ lục. Hơn 10 năm chăn nuôi, anh có bí quyết gì để "né" được những đợt sóng lên xuống của thị trường?

- Gần 10 năm làm nghề thịt lợn, rồi hơn 10 năm đầu tư trang trại chăn nuôi lợn tôi cũng tích luỹ được chút ít kinh nghiệm, đó là lúc giá lợn giống rẻ nhất thì tôi vào nhiều, còn lúc giống lợn đắt tôi vào cầm chừng. Bởi khi giá lợn hơi đắt, ai cũng đua nhau mua nên giống càng đắt, chi phí đầu tư cũng bị đội lên. Còn lúc lợn rẻ ai cũng chán, chỉ có những người làm kinh tế mới dám vào lợn lúc này.

Trải qua các đợt dịch tả lợn Châu Phi, gia đình anh có bị ảnh hưởng gì không?

- Không, gia đình tôi không bị ảnh hưởng, "né" được hết.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 8.

Vậy đâu là bí quyết để anh giữ trang trại không bị dịch bnh?

- Vấn đề là làm sạch môi trường thôi. Vật nuôi cũng như con người, môi trường ô nhiễm, cơ thể ốm yếu thì không thuốc nào chữa được. Con lợn càng lúc dịch bệnh càng kỵ kháng sinh, nếu tống kháng sinh vào rất nguy hiểm. Mình phải giữ môi trường sạch sẽ, tăng sức đề kháng cho lợn trước đã.

Nhà anh xây dựng ngay sát trang trại nhưng có một điều rất ấn tượng với chúng tôi không thấy có mùi hôi từ chất thải của đàn lợn, đàn vịt. Anh có bí quyết nào không?

- Mỗi năm trang trại của tôi nuôi 2.500 con lợn, hàng chục nghìn con vịt, rồi làm thêm ao cá, nuôi thêm ba ba và đàn dúi. Để chăn nuôi hiệu quả, tôi nghiệm ra rằng vấn đề môi trường phải được quan tâm đầu tiên. Nhà tôi xây dựng ngay sát trang trại. Nếu không xử lý tốt thì hậu quả đầu tiên là vợ con, gia đình mình, công nhân mình thuê phải gánh chịu, tiếp đó là đến bà con xung quanh, xa nữa là ảnh hưởng đến xã hội. Trước đây, khi chưa áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, tôi đã từng phải làm việc với cảnh sát môi trường về vấn đề xử lý chất thải.

Chính vì vậy, tôi càng nung nấu ý định đầu tư trang bị máy móc, chăn nuôi theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn. Những chất thải nguy hại trước kia phải bỏ đi, bây giờ thành nguồn thức ăn của những đôai tượng cây trồng, vật nuôi khác. Trước đây, tôi phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê người ta xử lý mang chất thải đi, nhưng bây giờ tôi xử lý để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, vịt, ba ba… Phân giun quế được đóng bao bán cho người trồng rau. Đầu vào, đầu ra khép kín mà lại giải quyết được vấn đề môi trường.

Bây giờ tôi có thể tự tin nói rằng kể cả khi giá lợn hơi xuống thấp tôi cũng không bị lỗ bởi mỗi năm tôi xuất bán ra thị trường trên 200 tấn phân bón trùn quế, với giá 3.000 đồng/kg phân trùn quế, tôi có thêm thu nhập 500 – 600 triệu đồng/năm. Sáng kiến của tôi cũng giành Giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10 do UBND tỉnh tổ chức và Giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. 

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn này cũng mang lại cho tôi nhiều cơ hội. Gia đình tôi vinh dự khi được nhiều lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, các ban ngành, đoàn thể về thăm mô hình và đánh giá cao. Tôi nhớ có lần, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nghe báo cáo về mô hình của tôi đã tự tìm về tận trang trại, sau khi tham quan một vòng, lãnh đạo tỉnh, huyện ngồi trò chuyện, giúp tôi gỡ khó một số vấn đề liên quan đến đường điện phục vụ chăn nuôi.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 9.

Với Báo Nông thôn Ngày nay, ông Hoàng Đình Quê không chỉ là một nhân vật mà còn như một người bạn thân thiết. Bản thân người nông dân này cũng tâm sự, nhờ sự truyền thông của báo chí, trong đó có Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, mô hình của ông được biết đến nhiều hơn, bản thân ông gặp được nhiều cơ hội hơn.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 10.

Những năm qua, anh rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân Việt Nam, các sự kiện do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức. Tại sao anh lại có sự gắn bó sâu sắc như vậy?

- Mặc dù gặt hái được nhiều thành quả trong chăn nuôi nhưng phải đến năm 2020, lần đầu tiên tôi mới được bước ra nhìn xã hội. Khi đó, tôi là đại diện nông dân duy nhất của tỉnh Bắc Giang xuống Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước. Tôi nhớ đoàn đại biểu Bắc Giang có 16 người, đại diện cho các ban ngành, nhưng chỉ duy nhất có tôi – một nông dân, được xe của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến đón về trụ sở Trung ương Hội.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 11.

Được gặp mặt, dự bữa cơm thân mật cùng lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xúc động rơi nước mắt. Tôi không nghĩ người nông dân bé nhỏ như tôi ra Thủ đô Hà Nội lại nhận được sự quan tâm lớn như thế. Không chỉ có đại biểu nông dân Bắc Giang, các đại biểu nông dân đến từ các tỉnh, thành phố khác cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đón tiếp rất trọng thị và chu đáo.

Hội Nông dân xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cũng rất quan tâm đến tôi, tạo điều kiện cho tôi được giao lưu, học hỏi, vay vốn mở rộng sản xuất. Không ai nghĩ, một người nông dân từng phải đi ở góc vườn, xin từng cây tre, xin từng nắm rơm để dựng tạm ngôi nhà tre mà gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Với những nỗ lực và thành tích xuất sắc, năm 2021, anh được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc. Danh hiệu này có là động lực để anh chinh phục những thành tích mới hơn không?

- Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cảm xúc khi lên Hà Nội nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Đó là vinh dự, tự hào; là cảm giác xúc động mà không tiền bạc nào mua được.

Lúc mới bắt tay vào làm, tôi nghĩ được Giấy khen của Hội Nông dân huyện, tỉnh đã là mừng lắm rồi. Tôi không nghĩ rằng mình còn được nhận Bằng khen Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi nhớ tháng 12/2021, nhận được tin mình là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc của cả nước, tôi phấn khởi và xúc động lắm. Lúc đó dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, đi lại khó khăn vì khắp nẻo đường đều bị hạn chế. Để chuẩn bị cho việc đi dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, cứ vài ngày tôi lại test Covid-19 một lần. Thời điểm đó, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang còn điều xe đưa tôi lên tận Hà Nội nhận danh hiệu. Tôi vui và tự hào lắm.

Danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hơn nữa, đóng góp cho quê hương, xã hội nhiều hơn. Năm 2022, tôi tiếp tục vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký quyết định tặng danh hiệu "Công dân Bắc Giang ưu tú".

Tôi cũng mang Giải pháp chăn nuôi lợn tuần hoàn khép kín của mình đi thi các cuộc thi khoa học sáng tạo nhà nông cấp tỉnh, Trung ương và đạt được nhiều giải cao. Tôi cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là "Nhà khoa học của nhà nông"

Năm 2022, được đại diện cho nông dân Bắc Giang đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, bữa đó tôi run lắm, nhưng đó cũng là niềm vinh dự ít người có được như tôi.

Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 12.

Tháng 5/2024, Báo Nông thôn Ngày nay – cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kỷ niệm 40 năm xuất bản số báo đầu tiên. Anh có cảm nhận gì về tờ báo ca chúng tôi?

- Là người nông dân, tôi rất ấn tượng với sự quan tâm, đồng hành thiết thực của Báo Nông thôn Ngày nay. Tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự lan toả, chia sẻ, quan tâm của Hội Nông dân Việt Nam và của báo. Nhân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên, tôi xin chúc tờ báo ngày càng phát triển, xứng đáng là tờ báo hàng đầu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, luôn là người bạn đồng hành, chia sẻ với mọi niềm vui, nỗi buồn của nông dân khi nắng hạn, mưa rào, khi thất mùa cũng như khi được giá.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Chúng tôi chia tay nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Đình Quê khi ánh chiều đã nhạt dn dưới núi Cô Tiên. Sau một ngày lao động, vợ chồng người nông dân chăm chỉ, cả đời lăn lộn với đất Quỳnh Sơn thong thả ngồi bên chiếc ghế ở góc sân, đợi những ngọn gió mát lành từ cánh rừng, từ mặt hồ trước nhà thổi tới. Và mai tiếp tục là một ngày mới….


Tỷ phú Hoàng Đình Quê: Từ ước mơ chinh phục núi Cô Tiên đến nông dân Việt Nam xuất sắc- Ảnh 13.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem