Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
10 nhóm nghề giảm tuyển dụng lao động nhiều nhất
Để có cái nhìn tổng quan về thị trường lao động, Navigos Group (đơn vị nghiên cứu thị trường lao động) phân tích dựa trên dữ liệu tin tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2019 (giai đoạn ổn định khi chưa xuất hiện dịch COVID-19), 4 tháng đầu năm 2022 (giai đoạn bắt đầu phục hồi sau COVID-19) và 4 tháng đầu năm 2023.
So sánh số liệu giữa 3 giai đoạn trên, có 10 nhóm ngành nghề đang sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất mạnh so với thời điểm bình ổn trước dịch COVID-19.
Du lịch, nhà hàng và khách sạn
Đây lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch COVID-19. 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực này giảm đến 55% so với thời điểm bình ổn trước dịch, dù 2022 là năm thị trường phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Bước sang năm 2023, dù ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhưng nhu cầu tuyển dụng ngành này lại tăng nhẹ. Dù vậy, so với thời điểm bình ổn trước dịch, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn còn giảm 43%.
Dệt may và da giày
Sau đại dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành này vẫn còn thấp hơn thời điểm thị trường bình ổn là 18%. Sau đó, đối mặt với những biến động trên thị trường thế giới, nhu cầu về lao động của lĩnh vực này trong 4 tháng đầu năm 2023 sụt giảm đến 39% so với giai đoạn bình ổn trước dịch.
Nguyên nhân do suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế tăng cao tác động lên sức mua, đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp ngành này đều sụt giảm.
Xây dựng và bất động sản
Đầu năm 2022, lĩnh vực bất động sản phát triển mạnh mẽ khi trở thành một kênh đầu tư sôi động, có khả năng sinh lợi lớn sau thời gian dài cả nước bị phong tỏa bởi dịch COVID-19.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành này trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 19% so với thời điểm bình ổn trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, bước qua năm 2023 thì nhu cầu tuyển dụng ngành này "quay đầu", sụt giảm đến 34% so với thời điểm bình ổn.
Thu mua, vật tư và cung vận
Nhu cầu tuyển dụng lao động lĩnh vực này trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ (3%) so thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận giảm đến 25% nhu cầu tuyển dụng so với thời điểm được xem là bình ổn của thị trường vào năm 2019.
Công nghệ thông tin
Giai đoạn giãn cách xã hội là thời điểm bùng nổ phát triển của ngành này, nhu cầu nhân lực có sự tăng trưởng rõ rệt. 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực này tăng 10% so với giai đoạn trước dịch.
Tuy nhiên, khi thị trường Việt Nam trải qua ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới, nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này giảm 20% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Xuất nhập khẩu
4 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực này chỉ giảm nhẹ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự (1%) so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch. Tuy nhiên, đến giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực này lại ghi nhận sự giảm sút nhu cầu tuyển dụng nhân sự lên đến 18% so với giai đoạn ổn định trước dịch.
Vận tải và logistics
4 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực này phục hồi tích cực sau COVID-19, nhu cầu tuyển dụng tăng đến 5% so với mức bình ổn của cùng kỳ trước dịch. 4 tháng đầu năm, nhu cầu này sụt giảm mạnh mẽ, tỷ lệ giảm đến 22% so với giai đoạn trước dịch.
Pháp lý và hành chính
Nhóm ngành này trải qua sự giảm sút đáng kể về nhu cầu tuyển dụng từ khi xuất hiện dịch COVID-19. Trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau dịch năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn thấp hơn 18% so với giai đoạn bình ổn trước dịch. Sang giai đoạn đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn thấp hơn giai đoạn bình ổn trước dịch đến 31%.
Marketing
Nhu cầu tuyển dụng trong 4 tháng đầu năm 2022 của ngành này chỉ thấp hơn so với giai đoạn bình ổn trước dịch 3%. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023 lại cho thấy sự sụt giảm lên tới 28% của ngành này so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID-19.
Nguyên nhân là do thị trường trải qua biến động về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm sút, các công ty điều chỉnh lại bộ máy qua việc cắt giảm các bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận.
Bán hàng và chăm sóc khách hàng
So với giai đoạn thị trường đang bình ổn trước dịch COVID-19, nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm 2022 của nhóm ngành này giảm sút đến 21% do ảnh hưởng của dịch. 4 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn duy trì ở mức thấp, giảm 23% so với giai đoạn trước dịch.
Báo cáo của đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường lao động này có những điểm trùng hợp với báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề việc làm. Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Trong đó: 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước; 0,39% doanh nghiệp nhà nước.
Phân theo vùng thì 66,75% doanh nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ (chiếm 1,63% tổng số doanh nghiệp của vùng); 12,4% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp của vùng); 7,75% doanh nghiệp thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (chiếm 0,6% tổng số doanh nghiệp của vùng); còn lại rải rác ở các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,...
Về lao động, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), Thành phố Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Điểm đáng lưu ý là số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp).
Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.
Chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được: Hệ lụy tiêu cực của xung đột giữa Nga và Ucraina khiến cho giá năng lượng tăng cao, làm gián đoạn các tuyến thương mại, nguồn cung nguyên liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.