Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
4 vấn đề cần lưu ý về siêu cảng 128.000 tỷ đồng ở Cần Giờ
Sáng 19/10, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, TP đã có sự cân nhắc, nghiên cứu rất kỹ lưỡng về việc xây dựng phát triển một cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Bởi đây là một vùng rất nhạy cảm về bảo vệ tài nguyên, môi trường và trong mối quan hệ vùng.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng rất cân nhắc, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của TP đã trực tiếp chỉ đạo tiếp tục có những nghiên cứu, giải trình và cần tổ chức hội nghị để nghe được nhiều ý kiến ở các góc nhìn khác nhau trước khi ra các quyết định.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc nghiên cứu dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hay bất kỳ một dự án nào cũng để hướng tới mục tiêu phát triển cho TP.HCM, cho cả vùng và cả nước. Đồng thời nhấn mạnh việc lựa chọn phát triển bền vững, tức là không đánh đổi bằng mọi giá, mà phải có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về tài nguyên môi trường, các vấn đề theo định hướng phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, còn 4 vấn đề còn cần được làm rõ hơn, sâu sắc hơn liên quan vấn đề cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đầu tiên là sự tác động của sự xung đột kinh tế của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Thứ hai, vấn đề ảnh hưởng của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ, của TP và của cả vùng. Khi đặt vấn đề nghiên cứu phát triển cảng, kết nối đường bộ nếu có, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Thứ ba, tác động đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, bởi đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông Mãi yêu cầu tránh hai xu hướng muốn làm cảng quá mà làm bằng mọi giá, bỏ qua những tác động thấy rõ. Tuy nhiên, cũng tránh xu hướng nói chung chung về ảnh hưởng mà không nghiên cứu, không đo lường tác động dẫn đến không dám làm gì.
Thứ tư, cần đánh giá chung về tác động của cảng nếu hình thành đề án theo các giai đoạn phát triển, tác động đến kinh tế - xã hội đối với TP.HCM, đối với toàn vùng và đối với cả nước sẽ như thế nào.
Lãnh đạo TP.HCM nhận thức đây là một việc lớn, cần tiến hành kỹ lưỡng, thận trọng và cần đánh giá đầy đủ để thực hiện. TP mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp không chỉ tại hội nghị này mà trong suốt quá trình hoàn thiện và triển khai dự án, để làm sao thành phố ngày càng phát triển.
Theo đề án, vị trí xây dựng cảng tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Công suất dự kiến đến năm 2023 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến giai đoạn 1 bắt đầu vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027, hoàn thành xây dựng vào năm 2045. Tổng kinh phí dự kiến hoàn thành cảng khoảng 128.872 tỷ đồng, tương đương 5,45 tỷ USD (bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng).
Quy mô dự kiến khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải 10.000-65.000 tấn (750-5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu).
Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, trong đó, cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ... khoảng 469ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.
Kế hoạch đầu tư cảng dự kiến phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính), giai đoạn 2 (sau 2030 đến 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.