Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
ACV công bố tên 5 hãng hàng không nợ xấu, xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về một số công tác cần triển khai nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị.
Cụ thể, ACV đang xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Theo báo cáo tài chính của ACV, tính đến cuối quý IV của năm 2023, ACV có các khoản nợ phải thu rất lớn từ các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động tại nhiều sân bay do ACV quản lý khai thác.
Các hãng hàng không và các doanh nghiệp bị ACV đưa vào diện nợ xấu gồm có: Vietjet; Bamboo Airways; Vietnam Airlines; Pacific Airlines; Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam; Công ty CP Hàng không Mê Kông và Công ty CP Hoàng Long Yến.
Phần thuyết minh báo cáo tài chính của ACV cho thấy, đến cuối quý IV/2023, ACV phải thu khoản nợ ngắn hạn từ hãng hàng không Vietnam Airlines là hơn 1.831 tỷ đồng; Hãng hàng không Vietjet là hơn 2.981 tỷ đồng; Hãng hàng không Bamboo Airways là hơn 2.132 tỷ đồng; Hãng hàng không Pacific Airlines là hơn 874 tỷ đồng và các khách hàng khác là hơn 1.103 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản phải thu dài hạn từ Công ty CP Hoàng Long Yến là hơn 2,8 tỷ đồng.
Hiện nay, ACV cũng đã trích lập dự phòng đối với các khoảng nợ xấu này. Cụ thể, với Vietjet là hơn 552 tỷ đồng; Bamboo Airways là hơn 1.907 tỷ đồng; Vietnam airlines là hơn 141 tỷ đồng; Pacific Airlines là hơn 760 tỷ đồng; Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam hơn 246 tỷ đồng; Công ty CP Hàng không Mê Kông hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP Hoàng Long Yến là hơn 2,8 tỷ đồng.
Theo ACV, đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các Hãng hàng không trong nước chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các Hãng hàng không phát sinh trong giai đoạn Covid-19.
Khẳng định trong năm 2023, mặc dù đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, tuy nhiên, phía ACV thừa nhận kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.
ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 9 Cảng hàng không Quốc tế gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 cảng hàng không nội địa đó là Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân.
Trong năm 2023, ACV có tổng doanh thu ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2022. Con số này, giúp ACV có được lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm và tăng 14% so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, ACV phục vụ 113,5 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu lượt khách, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 ngàn tấn, tổng hạ cất cánh đạt 710 ngàn lượt chuyến.
Nói về hoạt động hàng không trong năm 2023, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc ACV cho biết, năm 2023, ACV đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, cùng với các xung đột kinh tế chính trị thế giới.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh lương thực, năng lượng…
Ông Phiệt cho biết, ngành hàng không, thị trường vận tải hàng không quốc tế có phục hồi nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.