Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
ADB: Việt Nam đang hồi phục kinh tế với mức tăng trưởng dự báo 6%
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 được công bố hôm nay 11/4 tại Hà Nội, ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6% năm nay và 6,2% trong năm 2025.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo này, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức.
ADB dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay và năm tới đều ở mức 4%, đều cao hơn mức 3,3% trong năm 2023 và 3,2% trong năm 2022.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia của ADB, cho biết nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.
Ông Hùng cho biết sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.
Ông Chakraborty cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.
Cùng ngày tại Philippines nơi ADB đặt trụ sở chính, ngân hàng này công bố trong báo cáo ADO tháng 4 rằng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á -- Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng trung bình 4,9% trong năm nay vì khu vực này tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ, xuất khẩu chất bán dẫn được cải thiện và du lịch phục hồi.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần cảnh giác do vẫn còn một số nguy cơ rủi ro, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tính không chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ (được quyết định bởi FED là ngân hàng trung ương của Mỹ), tác động của thời tiết cực đoan, và sự suy yếu hơn nữa của thị trường bất động sản Trung Quốc, theo ADB.
- Tham khảo thêm