Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ẩm thực theo trend, người kinh doanh xoay như chong chóng
Bán máy nướng bánh đồng xu, chuyển sang kinh doanh trà chanh giã tay
Thời gian gần đây, hàng loạt cơn sốt ẩm thực như cà phê muối, bánh đồng xu, trà chanh giã tay… gây khuynh đảo giới trẻ. Gần đây nhất, món trà sữa đất nung Vân Nam gây bão thị trường Trung Quốc cũng đổ bộ về Việt Nam và trở thành một trào lưu. Không ít bạn trẻ sẵn sàng chờ đợi 1-2 tiếng để có thể thưởng những món ăn “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội.
Mong muốn được trải nghiệm cái mới của một bộ phận người tiêu dùng tạo cơ hội cho hình thức kinh doanh theo trend ngày càng được nhân rộng.
Sau khi trào lưu bánh đồng xu dần giảm nhiệt, anh Thanh Tân (quận 5) quyết định đăng bài thanh lý toàn bộ máy nướng bánh để chuyển sang kinh doanh trà chanh giã tay. Dù đã “cắn răng” bán máy với giá chỉ bằng phân nửa giá nhập, đi kèm với đó là lời rao hấp dẫn “tặng vỏ đựng bánh hơn 1.000 chiếc”, bài đăng của anh vẫn không nhận được lời phản hồi nào dù đã 1 tuần trôi qua.
Anh Tân cho biết, với 5 xe đẩy bán bánh đồng xu được đặt tại các cung đường chính tại quận 5, anh đã kịp thời thu hồi vốn trước khi loại bánh này mất đi sức hút.
“Tôi kinh doanh theo thời vụ nên khi trên mạng xã hội vừa rộ lên trào lưu gì phải lập tức triển khai ngay để có thể thu hồi vốn”, anh Tân nói.
Theo anh Tân, mô hình kinh doanh trà chanh giã tay tương đối rẻ hơn. Một bộ dụng cụ chuyên dụng sẽ có giá từ 150.000-200.000 đồng. Tiền chanh rơi vào khoảng 65.000-90.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh chỉ cần đầu tư thêm một số tiền nhỏ cho các khoản in banner, đóng xe…
Một chủ cửa hàng khác ở quận 4 cho biết người này bỏ gần 30 triệu nhập hai chiếc máy làm bánh vào thời điểm loại bánh này đang "hot" nhất, thêm tiền thuê cửa hàng nữa là khoản đầu tư của người này đã lên đến 40 triệu đồng, chưa kể tiền nguyên vật liệu, tiền thuê nhân công.
"Thời gian đầu, cơn sốt bánh đồng xu rất mạnh, mỗi ngày, tôi bán hơn 300 cái, làm việc không ngơi tay. Thế nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng, lượng bánh bán ra trong ngày bắt đầu giảm dần, khách hàng không còn mặn mà. Tôi nghĩ chắc phải tính hướng thanh lý máy, đổi sang bán món mới", vị chủ cửa hàng nói.
Không riêng gì anh Tân, trên các chợ mạng, có rất nhiều người rao bán máy làm bánh đồng xu ngay khi trào lưu vừa qua đi. Đa phần, các máy được rao bán với giá từ 1,5-3 triệu đồng (giảm khoảng 50%-60% so với giá gốc) tùy theo số lượng khuôn. Thậm chí, nhiều người bán cũng sẵn sàng tặng kèm xe đẩy, khuôn nướng bánh cho khách để đổi mô hình kinh doanh.
Kinh doanh theo trend kiếm được nguồn tiền ngắn hạn nhưng tồn tại nhiều thách thức
Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực F&B, kinh doanh theo trend giúp người đầu tư nhanh chóng kiếm được nguồn tiền ngắn hạn nhưng lại tồn tại nhiều thách thức, thậm chí là nguy cơ phá sản nếu không có chiến lược bài bản.
Chuyên gia truyền thông Dy Khoa cho biết nhiều bạn trẻ sẵn sàng dấn thân vào thị trường “sớm nở tối tàn” này là vì họ dễ dàng thu về tiền ngay, tiền tươi thóc thật, do họ kinh doanh mặt hàng đang nhận được sự chú ý của khách hàng.
Một ưu điểm khác của việc kinh doanh theo trend chính là giúp doanh nghiệp giản lược đi các công đoạn khảo sát chân dung khách hàng, tìm kiếm thị trường… do khách hàng và thị trường đã hiện hữu sẵn.
“Nếu doanh nghiệp hoặc người kinh doanh ở một số lĩnh vực hoàn toàn đứng ngoài thì có thể bị xem là thua cuộc vì có thể trend đó sẽ mang về một dòng tiền mặt rất lớn”, anh Khoa nhận định.
Dù thể hiện được sự linh hoạt, thị trường đầy mời gọi này cũng đầy ắp rủi ro. Vị chuyên gia cho rằng, việc kinh doanh bắt trend có thể gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của tổ chức, thậm chí ảnh hưởng đến tư duy kinh doanh. Loại hình kinh doanh theo trend chưa cho thấy tư duy chiến lược, lâu dài mà chỉ manh mún cục bộ, muốn thu tiền ngay. Điều này dẫn đến đốt cháy các giai đoạn trong kinh doanh.
Ngoài ra, sự tăng trưởng đột ngột của người tham gia kinh doanh cũng đặt ra thách thức lớn cho thị trường kinh doanh theo trend.
“Trong giai đoạn này, số lượng người tham gia kinh doanh tăng lên có thể vì kinh tế khó khăn, nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập nên cố gắng gồng, xoay trở kiếm thêm trước thềm năm mới”, anh Khoa cho biết.
Để tránh khỏi tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO), các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là startup, cần xác định rõ thị trường của mình ở đâu, khách hàng của mình là ai. Bên cạnh đó, cần cân nhắc sản phẩm của mình có tương thích với chân dung khách hàng vừa xây dựng hay không.
Các yếu tố về hình ảnh, định vị thương hiệu trong mắt khách hàng cũng rất cần được chú trọng. Doanh nghiệp cần bình tĩnh suy xét kỹ lưỡng rằng trend này có thật sự có lợi cho doanh nghiệp, cho bản thân không. Sau khi “bắt trend”, liệu doanh nghiệp có bị tổn hại hình ảnh sản phẩm chính không.
“Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xem xét vốn đầu tư cho sản phẩm trend có dễ thu hồi hay nếu lỗ thì sẽ lỗ trong giới hạn như thế nào”, anh nói.
Bên cạnh đó, anh Khoa nhận định nếu chỉ chăm chăm theo các trào lưu có vòng đời ngắn mà không đầu tư sản phẩm cốt lõi lại thì đó là cách “giết chết” doanh nghiệp hay tư duy kinh doanh rất nhanh. Vị chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng doanh nghiệp nên chinh phục, giữ chân khách hàng ở lại với sự sáng tạo liên tục trên chính sản phẩm của mình, tốt hơn là hoàn toàn chạy theo trend.
Mở mới nhiều tour trên sông Sài Gòn, khởi hành hàng ngày
05/12/2023 08:05Giá xăng dầu ngày 5/12: Sẽ tiếp tục giảm
05/12/2023 07:33Bình Dương thu hút doanh nghiệp bằng môi trường thân thiện hơn, "xanh" hơn
05/12/2023 07:13