Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ăn ngủ cùng hoa Tết ở bến Bình Đông
Tiểu thương bến Bình Đông mất ngủ vì trông cây
Chợ hoa ngày Tết tại bến Bình Đông là một nét văn hóa đẹp và lâu đời của người dân Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến, nơi đây trở thành điểm giao thương tấp nập giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Dòng người đổ xô về bến Bình Đông để mua hoa Tết, chụp ảnh... Ảnh: Thu Hoài
Tối ngày 5/2 (tức 26 tháng Chạp), con đường Bến Bình Đông nơi diễn ra chợ hoa Tết gần như kẹt cứng. Người dân đổ xô về con đường này để chụp ảnh, xem biểu diễn chương trình “Trên bến dưới thuyền” và đặc biệt là mua sắm hoa Tết.
Dọc con đường bến Bình Đông, từ hoa mai, hoa ly, hoa giấy, cây quất đều được chính tay người nông dân mang từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lên. Hầu hết các tiểu thương tại bến Bình Đông đã gắn bó với nghề này từ rất lâu.
Ông Cao Văn Mỏng - tiểu thương chợ hoa, cho biết ông đã gắn bó với nghề này gần 10 năm. Nổi bật với thân hình gầy gò cùng làn da đen nhẻm, ông vẫn gắn bó với nghề ở tuổi gần 60. Từ ngày mang hàng lên bến Bình Đông, ông Mỏng cùng anh em đồng nghiệp gần như “ăn chung ngủ chung” cùng chợ hoa.
Năm nay, các thiết bị vật tư, phí di chuyển tăng so với năm ngoái nhưng số lượng hoa bán ra lại giảm đi. Điều này mang lại một nỗi lo cho những người nông dân. “Tôi bán các chậu hoa mai có giá từ 6-10 triệu, giá giảm hơn năm ngoái khoảng 40%. Nhưng khách chủ yếu đến hỏi rồi lại đi chứ không mua”, ông Mỏng nói với Dân Việt.
Ông Mỏng cùng chiếc ghe chở hàng xuất phát từ Bến Tre từ 16h, đến TP.HCM là 7h. Chi phí thuê ghe xuyên suốt những ngày bán ở chợ hoa là 12 triệu đồng. Ông dự định ở lại chợ hoa bán đến chiều 30 tháng Chạp rồi mới về lại quê nhà ăn Tết.
Những ngày buôn bán ở chợ hoa bến Bình Đông, ông Mỏng phải sinh hoạt nhờ nhà người dân, ngủ trong ghe hoặc thay phiên trông cây ở ngoài đường cả đêm.
“Tôi phải nằm võng ngủ rồi canh hoa chứ nếu mất một chậu thì coi như mùa này lỗ vốn rồi. Nhiều lúc khuya tôi đang ngủ mà có người lại hỏi mua hoa xong rồi lại đi, thế là cả đêm tôi thức trắng, 4h dậy chuẩn bị cho ngày mai luôn”, ông Mỏng nói thêm.
“Gắn bó, vì đó là nghề của mình”
Bên cạnh những người đàn ông, những thanh niên trai tráng, nhiều phụ nữ cũng tất bật buôn bán, bám trụ bến Bình Đông những ngày cuối năm. Họ đều đã gắn bó với nghề buôn bán tại chợ hoa nhiều năm để mưu sinh. Dù có phải gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều chị tiểu thương vẫn vui vẻ đáp “quen rồi”.
Chị Phùng Hạnh Lệ kinh doanh tại chợ hoa bến Bình Đông hơn 20 năm. Chị bán ở chợ này từ khi còn trẻ, gần như những thay đổi của chợ xưa và nay chị đều biết khá rõ.
Chị Lệ tâm sự vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh cũng không tốt lắm. Giá phân bón, vật tư và chi phí ghe di chuyển cao hơn nhưng giá hoa lại giảm. Thậm chí, nhiều người còn trả giá thấp khiến tiểu thương như chị Lệ gặp nhiều khó khăn.
“Thấy tình hình buôn bán năm ngoái không ổn nên năm nay tôi giảm số lượng hoa đem lên TP.HCM. 23 âm lịch tôi đã có mặt tại chợ hoa nhưng 25 trở đi mới có nhiều khách đến mua. Hầu hết người dân đều chờ sát Tết để được mua giá rẻ”, chị Lệ nói.
Là một người nông dân trồng hoa, những chậu hoa chị đem đến bến Bình Đông chính là tâm huyết của chị suốt cả năm. Những ngày đem hoa ra chợ bán cũng là ngày chị mong chờ được “hái quả ngọt”.
Thời gian gắn bó với nghề, tâm huyết với những chậu hoa đã giữ chị Lệ và nhiều người khác bám trụ với nghề này hơn chục năm.
Em Nguyễn Thái Bảo (17 tuổi) cùng cha buôn bán một gian hàng hoa tại bến Bình Đông. Những ngày đồng hành cùng cha trên chiếc ghe nhỏ đã giúp em phần nào hiểu được giá trị của đồng tiền và sự vất vả của người nông dân.
“Đây là năm thứ hai em theo cha buôn bán tại bến Bình Đông. Suốt những ngày này, em được trải nghiệm những việc mà cha thường làm và thấy rất vất vả. Nhưng nếu có cơ hội em vẫn muốn nối nghiệp cha vì em có đam mê với cây, hoa”, Thái Bảo nói.
Chỉ còn vỏn vẹn 4 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, cái Tết ấm no của nhiều gia đình vẫn còn trông chờ vào những chậu hoa của họ. Mặc dù làm nghề vất vả nhưng hầu hết các tiểu thương ở chợ đều rất rạng rỡ, hy vọng vào những ngày tiếp theo.