Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bản giao hưởng của dòng sông
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - người luôn nặng lòng với Sài Gòn - TP.HCM, dành nhiều thời gian trò chuyện với chúng tôi về vấn đề lớn: Nên quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn ra sao để xứng với giá trị và tiềm năng? Ông nói chúng ta rất cần xác định rõ khung định hướng chiến lược quy hoạch cho một con sông đẹp, chảy qua một thành phố trên 300 năm lịch sử với nhiều giá trị tiềm ẩn chưa được khai thác, mà khó nơi nào có được.
Cần sớm quy hoạch sông Sài Gòn
* Năm 2023, sông Sài Gòn trở thành một chủ đề được quan tâm hơn bao giờ hết tại TP.HCM và các tỉnh thành mà nó chảy qua. Ông đánh giá thế nào về giá trị, tiềm năng của sông Sài Gòn?
Đa số các đô thị lớn thế giới đều phát triển dọc theo sông nước, hoặc là đô thị biển, hoặc là đô thị ven sông, nhờ sự tiện lợi và rẻ tiền của giao thông đường thủy. Sông Sài Gòn dài 256 km từ biên giới Campuchia đến cửa biển Cần Giờ, trong đó đoạn chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80 km có giá trị và tiềm năng rất lớn nhưng đáng tiếc hiện vẫn chưa được khai thác xứng tầm.
* Cụ thể, sự đáng tiếc đó là như thế nào, thưa ông?
Giá trị đầu tiên của sông Sài Gòn là giá trị giao thông đường thủy, cho đến nay chỉ mới được khai thác một phần nhỏ. Thứ hai là giá trị cảnh quan. Phát triển cảnh quan ven sông có thể gắn kết với phát triển du lịch và phát triển đô thị ven sông, mang lại giá trị cộng thêm cho các dự án địa ốc.
Thứ ba là giá trị môi trường xanh. Dân số TP.HCM trên 10 triệu người nhưng không gian xanh trên đầu người lại thấp nhất so với các đô thị lớn trên cả nước, chỉ khoảng 0,5m2/người. Vì vậy, nếu có thể nâng tầm hành lang xanh hai bên sông hồ, kênh rạch thì sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu quy hoạch không gian xanh 10m2/người, tăng không gian xanh cộng cộng lên ít nhất 20 lần, nâng cao chất lượng môi trường và giảm ngập.
Thứ tư, sông Sài Gòn có thể trở thành trục cảnh quan văn hóa công cộng xương sống của đô thị, nơi hội tụ những công trình công cộng văn hóa lịch sử (bảo tàng, hòa nhạc, triển lãm, thư viện…), kinh tế xã hội (nhà sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thương mại…) và sức khỏe - môi trường (thể dục thể thao, thư giãn…). Thứ năm, sông Sài Gòn là nơi sinh sống cho nhiều loài sinh thực vật đặc trưng, cần được bảo vệ, cải thiện môi trường và duy trì đa dạng sinh học.
Tóm lại, tiềm năng của sông Sài Gòn là rất lớn nhưng chúng ta chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ. Đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có một bản quy hoạch tổng thể bài bản nào cho sông Sài Gòn và khu vực đô thị cũng như nông thôn ở hai bên để xứng tầm với một siêu đô thị có trên 300 năm lịch sử.
Vai trò của nhạc trưởng
* Theo KTS, hai bên bờ sông Sài Gòn nên được quy hoạch như thế nào để dòng sông lịch sử này đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP.HCM mà còn vùng Đông Nam bộ?
Việc quy hoạch khu đô thị và nông thôn hai bên sông cần có định hướng đa dạng, chuyển biến phù hợp với điều kiện và nhu cầu phát triển khác nhau của từng khu vực.
Tôi hình dung việc quy hoạch sông Sài Gòn phải đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, giống như việc sáng tác một bản nhạc giao hưởng, trong đó phải có những đoạn nhanh chậm khác nhau, có đoạn sôi động cao trào, nhưng cũng có đoạn du dương êm dịu, thậm chí phải có những khoảng lặng nhất định.
Những đoạn sôi động nhất có thể bao gồm không gian hai bên bờ Đông - Tây của khu trung tâm Thủ Thiêm và quận 1, khu trung tâm tương lai TP Thủ Đức tại Trường Thọ, nối sang khu đô thị thể dục thể thao Rạch Chiếc. Những đoạn du dương êm đềm có thể bao gồm các khu nhà ở xanh mát yên tĩnh ven sông tại Vinhomes Tân Cảng, Saigon Pearl, The Manor, khu biệt thự An Phú, khu dân cư bán đảo Thanh Đa… Bản nhạc giao hưởng cũng cần phải có khoảng lặng, là thiên nhiên không gian xanh mặt nước như khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các làng du lịch sinh thái, các làng nông nghiệp...
Một bản nhạc giao hưởng đô thị ven sông như thế, không chỉ nâng tầm giá trị văn hóa, di sản, cộng đồng và môi trường để cho người dân được hưởng thụ mà còn góp phần tích cực cho việc nâng cao tăng trưởng kinh tế xã hội cho cả thành phố!
* Vai trò của người nhạc trưởng sẽ như thế nào để có thể hòa tấu được bản giao hưởng tuyệt vời này, thưa ông?
Người nhạc trưởng ở đây sẽ là UBND TP.HCM và nhạc công sẽ là các sở, ban ngành, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị cùng chung tay với nhau.
Người nhạc trưởng là người có tầm nhìn xa, biết quy tụ nhân tài, có tài chỉ đạo và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, sao cho việc thực thi các dự án lớn nhỏ góp phần tích cực cho tổng thể chung. Những dự án thành phần phải khai thác được mục tiêu và bản sắc riêng, đồng thời phải hợp tác với nhau để cùng phát triển một cách hài hòa, tuân thủ định hướng chiến lược trong suốt bản giao hưởng đó.
Từ sông Amstel, sông Hoàng Phố đến sông Sài Gòn
* Trên thế giới có nhiều thành phố, đô thị sông nước nổi tiếng. Theo ông, sông Sài Gòn có thể học hỏi kinh nghiệm quy hoạch, phát triển từ các điển hình này không và nếu có thì nên học như thế nào?
Chúng ta có thể tham khảo từ sông Seine (Pháp), cách tổ chức những con thuyền Bateau-Mouche du lịch trên sông, phối hợp tốt việc chỉnh trang hài hòa về mặt kiến trúc cảnh quan, âm thanh, ánh sáng của hai bờ sông. Chúng ta có thể tham khảo từ sông Amstel và hệ thống sông rạch chằng chịt của TP Amsterdam (Hà Lan), cách thức tổ chức hệ thống giao thông thủy với hàng trăm điểm dừng đỗ hấp dẫn ven sông rạch, kết nối với mạng lưới giao thông công cộng và đường cho người đi bộ, xe đạp.
Chúng ta có thể tham khảo từ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), cách thức bảo tồn và phát triển đô thị hiện đại: Từ kinh nghiệm bảo tồn và chỉnh trang phố Tây Thượng Hải (tương ứng bờ Tây quận 1 với nhiều công trình di sản của Sài Gòn xưa) cho đến kinh nghiệm xây dựng mới một trung tâm kinh tế tài chính quốc tế sầm uất và hiện đại trên nền tảng giải tỏa trắng phố Đông Thượng Hải (tương ứng bờ Đông trung tâm mới Thủ Thiêm).
Nhưng trên hết, định hướng chiến lược cho quy hoạch sông Sài Gòn cần phải thể hiện tính độc đáo riêng, không bắt chước ai, bởi nền tảng các nhu cầu, điều kiện phát triển và văn hóa đô thị, văn hóa dòng sông của mỗi đô thị, mỗi quốc gia là khác nhau.
Có thể nói, các cơ hội mới mở ra từ con sông Sài Gòn có rất nhiều để khai thác, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của thành phố hiện nay và trong tương lai! Sau nhiều thập kỷ phát triển quay lưng ra sông, chúng ta hiện có quá nhiều việc phải làm để nâng tầm không gian sông Sài Gòn cho giai đoạn tiếp theo đến 2030 - 2050.
Đầu tiên là lập nên một bản quy hoạch định hướng cho 80 km sông Sài Gòn và các dự án quy hoạch phân khu và chi tiết có thể thực hiện ngay trong vài thập niên tới. Hình thành nên các khu đô thị ven sông gắn kết với giao thông công cộng, giao thông đường thủy, không gian xanh và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Kế đến là lập kế hoạch thực hiện những quy hoạch đó theo hướng bền vững, huy động được nguồn vốn xã hội hóa và sự chung tay của người dân. Các sự kiện văn hóa nghệ thuật, kinh tế xã hội trên sông và ven sông một cách thường xuyên trong năm. Các sự kiện này vừa phục vụ nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân vừa giúp tăng sức hút bạn bè quốc tế đến giao lưu, chia sẻ, trao đổi và hợp tác với chúng ta. Chúng ta cần sớm quy hoạch để nâng tầm giá trị cho sông Sài Gòn, để dòng sông có thêm cơ hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, tương lai TP.HCM sẽ có 17 công viên ven bờ sông Sài Gòn, bên cạnh công viên bến Bạch Đằng đã hiện hữu.
Khu vực phía Bắc sẽ phát triển bốn công viên ven sông quan trọng: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới ở quận 12 - huyện Hóc Môn, công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi), công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).
Khu vực trung tâm TP có sáu công viên: Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Thủ Thiêm, Công viên chân cầu Phú Mỹ, khu công viên Thanh Đa, Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức).
Khu vực phía Nam sẽ có bảy công viên ở đây: Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên khu Tân Thuận, Công viên Bắc Bình Khánh, Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè), Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị mới và công viên của khu đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).