Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM cần hài hòa lợi ích 3 bên
Ngày 12/8, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội với Dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thị Kim Thuý cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, trong đó quy định nhiều nội dung mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội của tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP.HCM. Việc bỏ khung giá đất và quy định Bảng giá đất được điều chỉnh hằng năm, trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh trong năm để phù hợp với giá thị trường.
Ngày 16/1/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.
Bảng giá đất hiện nay chưa tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 8 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính. Chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (5 năm), khó cập nhật biến động thị trường, thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Bà Thuý kỳ vọng Bảng giá đất mới được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn thành phố như Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi... Khi giá mới tiệm cận thị trường dễ nhận được sự đồng thuận của người dân. Các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ đúng tiến độ, không bị ách tắc.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất phải hài hòa 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất và lợi ích của người đầu tư.
“Đúng ở góc độ nhà nước tôi rất đồng tình việc điều chỉnh bảng giá đất. Nhưng nếu đứng góc độ người sử dụng đất và doanh nghiệp thì việc sử dụng bảng giá đất điều chỉnh chưa phù hợp, nó gây áp lực kinh tế rất lớn, đặc biệt là các huyện ngoại thành”, ông Hậu nêu.
Ông Hậu ví dụ: Ở các huyện ngoại thành có người dân sở hữu hàng chục ha đất và chưa chuyển mục đích sử dụng. Nếu áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, các gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đất đai ở khu vực này sẽ chịu áp lực kinh tế rất lớn.
“Việc tăng giá đất mạnh sau thời gian ngắn như vậy có thể gây ra nhiều phản ứng trong cộng đồng, đặc biệt là người dân ở các huyện ngoại thành. Giá đất tăng mạnh ảnh hưởng đến thị trường, nhiều người muốn bán đất sẽ không bán nữa để chờ đất tăng”, ông Hậu nói.
Luật sư kiến nghị không vội áp dụng bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM. Ảnh: Q.D
Ông Hậu kiến nghị, tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ cho đến 31/12/2025. Như vậy, thành phố sẽ có thêm một năm rưỡi để có thời gian sửa đổi, bổ sung dự thảo này cho phù hợp; đánh giá tác động một cách toàn diện.
“Đồng thời chú trọng công tác đẩy mạnh tuyên truyền luật đất đai, vì luật này tác động đến người dân rất nhiều. Nếu không hiểu vấn đề này thì gây ra rất nhiều bất cập”, Luật sư Hậu bày tỏ quan điểm.
Tại hội nghị, Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, rất cần sự điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tăng, nhưng cần xác định tăng vào thời điểm nào và tăng như thế nào?
“Cần thiết phải làm, nhưng phải thực hiện đúng luật, đầy đủ và từng bước; cái nào cần làm trước. Bảng giá đất ban hành phải trên cơ sở hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Cần là tổng hợp, lấy ý kiến từ cấp phường/xã lên đến quận/huyện”, Luật sư Hòa cho biết.