Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bất chấp khó khăn, người Việt vẫn chi 4,6 triệu tỷ đồng cho tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại của cả nước trong tháng Chín sôi động hơn so với tháng Tám, do có kỳ nghỉ Lễ 2/9 và học sinh bước vào năm học mới. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 524,6 nghìn tỷ đồng và tăng 2,4% so với tháng trước đồng thời tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng, người Việt đã “móc hầu bao” gần đạt 4,6 triệu tỷ đồng cho chi tiêu và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%.
Theo ngành, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt gần 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đáng chú ý là nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục có mức tăng cao nhất 12,8% và hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%, may mặc tăng 7,8%. Về địa phương, người dân tại Thành phố Hải Phòng mạnh tay chi tiêu nhất và tăng 11,9%. Kế đến là Quảng Ninh tăng 10,9%, Đồng Nai tăng 9,9%, Bình Dương tăng 9,0%. Trong khi đó, hai đầu tầu kinh tế Hà Nội tăng 4,8% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,9%.
Đối với ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, tổng mức doanh thu ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch lữ hành có mức tăng trưởng vượt bậc, doanh thu ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng và tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ có sự tăng trưởng này là do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thêm vào đó, các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch từ đầu năm đến nay. Điển hình là Đà Nẵng có mức tăng ấn tượng 139,9%, sau là Quảng Ninh tăng 98,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 91,3% và Hà Nội tăng 67,4%.
Bên cạnh đó, doanh thu từ các loại hình dịch vụ khác đạt 469 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vietnam+