Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bất động sản chuyển hướng tìm đường sống: Đồng loạt bán căn hộ dưới 50 triệu/m2
Bán nhà hợp túi tiền
Trước bối cảnh trường địa ốc những năm qua tụt thanh khoản, sản phẩm nhà ở cao cấp tồn kho lớn trong khi nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân có thu nhập ở mức trung bình và cận trung bình vẫn rất cao, một số doanh nghiệp BĐS xác định, khi các chính sách về loại hình nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội được khuyến khích và thực tế sức cầu phân khúc này trên thị trường tăng cao thì phải thay đổi cách làm là điều cần thiết. Giải pháp tái cơ cấu sản phẩm, điều tiết lợi nhuận đã được nhiều doanh nghiệp BĐS lựa chọn.
Hàng loạt dự án BĐS mới vừa túi tiền được ra mắt vào cuối năm 2023 ghi nhận sự thay đổi chiến lược của các chủ đầu tư trên thị trường. Đơn cử như Phú Đông Group, đã khởi công và ra mắt dự án chung cư Phú Đông SkyOne tại Bình Dương. Dự án được đầu tư với tổng số vốn 1.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng trong 24 – 36 tháng và dự kiến bàn giao nhà vào tháng 12/2025.
Đơn giá bán căn hộ trung bình dự kiến 30 triệu/m², giá mỗi căn hộ từ 1,2 tỷ đồng đến 2,2 tỷ đồng, trong đó 60% số căn hộ có mức giá xoay quanh 1,6 tỷ đồng/căn được đánh giá là sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đón đầu được xu hướng chuyển dịch ra khỏi trung tâm để mua nhà bằng lương của giới trẻ.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay: "Chúng tôi tăng cường khuyến mãi, tăng chiết khấu cho người mua nhà cũng là cách cân đối dòng tiền, đảm bảo hoạt động của DN. Bởi vậy, khách hàng muốn sở hữu nhà giai đoạn này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”.
Nam Long Group cũng triển khai mở bán dự án căn hộ Mizuki Park (Bình Chánh, TP. HCM) với sự điều chỉnh về chính sách thanh toán và giá bán mới cho giỏ hàng cuối năm 2023. Theo đó, giá căn hộ áp dụng mức giá mới là 46 triệu đồng/m2, thay vì mức 50 triệu đồng/m2 mở bán vào tháng 6/2023.
Còn chủ đầu tư Khang Điền mở bán dự án The Privia tại quận Bình Tân (TP. HCM) dự kiến giá rumor (giá tin đồn) khoảng 60 triệu đồng/m2, nhưng giá thực công bố chỉ từ 48-50 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, một số chủ đầu tư bung hàng trong thời gian này đã không đưa ra giá bán quá cao, mà ngược lại tăng chiết khấu ở mức tương đương chi phí lãi vay ngân hàng để giảm giá bán nhà cho khách hàng. Đây là một giải pháp thích nghi với tình hình mới giúp doanh nghiệp BĐS tự cứu mình trong bối cảnh dòng vốn tắc nghẽn, còn người mua có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở khi giá thực tế giảm.
Dữ liệu phân tích từ các đơn vị nghiên cứu thị trường hiện nay cho thấy, chỉ số mức độ quan tâm BĐS trên cả nước đã nhích tăng, các giao dịch chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ vừa túi tiền. Nếu so với các phân khúc khác như đất nền, nhà phố, biệt thự thì đây là dòng sản phẩm dễ mua, dễ bán, giá “phải chăng” dễ đáp ứng nhu cầu đại đa số người dân. Bởi thế, sẽ là cơ hội lớn cho những chủ đầu tư sớm thích nghi với hoàn cảnh mới.
Nhiều động lực thúc đẩy thị trường
Đầu năm 2024, thị trường BĐS đón tin vui việc thể chế dần hoàn thiện khi Luật Đất đai được Quốc hội tiếp tục thông qua sau khi 2 bộ luật quan trọng được ban hành năm 2023 là: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Điều này giúp kỳ vọng những “khoảng trống” pháp lý sớm được khỏa lấp, dòng tiền vào thị trường BĐS sớm trở lại gieo niềm tin về một chu kỳ mới tích cực hơn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, thị trường BĐS năm 2024 có 5 trợ lực đáng kể để phục hồi. Đầu tiên là, kinh tế vĩ mô tiếp tục được dự báo ổn định; hai là, dòng vốn đang quay lại thị trường BĐS khi lãi suất đã giảm mạnh; ba là, công tác quy hoạch và ‘thúc’ phát triển cơ sở hạ tầng đang được nhà nước rất chú trọng; bốn là, hành lang pháp lý BĐS dần hoàn thiện; và cuối cùng, vướng mắc về pháp lý các dự án đang dần được tháo gỡ, giúp tăng nguồn cung trên thị trường, tạo cơ sở để một số phân khúc BĐS giảm giá, phục vụ những đối tượng có nhu cầu ở thực và phù hợp với túi tiền của người dân.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng năm nay thị trường BĐS sẽ ghi nhận động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu.
Phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, khả năng sẽ phục hồi sẽ chậm hơn do nhu cầu thực chưa thể đột biến. Nhiều chủ đầu tư đang đắn đo khi đưa dòng sản phẩm này vào thị trường trong năm 2024. Đối với phân khúc đất nền, việc Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định siết chặt hoạt động phân lô bán nền cũng như mất thanh khoản suốt năm qua cho thấy đây là phân khúc cần nhiều thời gian hơn để có thể hồi phục.
“Ngoài phân khúc BĐS công nghiệp sẽ sôi động hơn nhờ gia tăng hoạt động của khu vực FDI, khả năng phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội sẽ chuyển biến tích cực và ghi nhận nguồn cung mới gia tăng, nguyên do các chủ đầu tư nhận thức được việc tự điều hướng cơ cấu sản phẩm để phát triển phù hợp với dòng chảy của thị trường”, TS Phong chia sẻ.
Tại một diễn đàn BĐS tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước thực trạng hàng tồn kho và sự lệch pha cung cầu trên thị trường BĐS trong thời gian qua, từ đầu năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các DN cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp. Động thái này là minh chứng cho nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo NHNN thúc đẩy việc cho vay đối với các DN BĐS; hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.