Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bất động sản nhà liền thổ tiếp tục giảm nguồn cung
Đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vừa qua, các phân khúc bất động sản có giá trị giao dịch càng lớn càng dễ bị ảnh hưởng, sụt giảm thanh khoản, giao dịch mua bán. Trong đó, nhà liền thổ (biệt thự, nhà phố) là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất.
Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online, anh Hùng - lãnh đạo một công ty đang phát triển sản phẩm nhà liền thổ cho biết thời gian qua đơn vị hầu như chỉ bán lại các giỏ hàng cũ, hàng tồn từ những năm trước chứ không có dự án mới.
Ngoài ra, trong bối cảnh khách hàng ngày càng khó xuống tiền mua nhà, đất, công ty phải triển khai hàng loạt chính sách chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất, kéo dài thời gian thanh toán,… để thu hút người mua. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan khi số lượng sản phẩm giao dịch thành công chỉ rất nhỏ giọt, vừa đủ để công ty duy trì hoạt động.
Được biết, thời gian qua, bất động sản nhà liền thổ (biệt thự, nhà phố) khá ảm đạm, đìu hiu khi nguồn cung sụt giảm kỉ lục, giao dịch mua bán lao dốc. Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết quỹ đất hạn chế kéo dài khiến nguồn cung mới chậm ra mắt trên thị trường. Theo đó, nguồn cung mới năm 2023 chủ yếu và phân khu mở bán tiếp theo của các khu đô thị và tập trung ở TP.Thủ Đức.
Lượng bán mới 2023 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nguồn cung sơ cấp nằm ở các dự án có giá bán cao hơn mức trung bình.
Đánh giá của Cushman & Wakefield Việt Nam, việc khan hiếm nguồn cung đây là yếu tố thúc đẩy giá chính cho thị trường. Theo đó, điều này dẫn đến giá sơ cấp trung bình bất động sản liền thổ tại TP.HCM tiếp tục tăng trong năm 2023, đạt gần 14.500 USD/ m2.
Nhìn chung, tâm lý thị trường của phân khúc nhà liền thổ TP.HCM năm 2023 trầm lắng hơn so với các năm trước. Tương tự với tâm lý chung của đa số người mua Việt Nam là tạm dừng hoạt động mua bán và quan sát thêm. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, tài sản bất động sản có tính thanh khoản thấp không phải là ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2023, DKRA Group cho thấy nguồn cung mới nhà phố/biệt thự khu vực TP. HCM và vùng giáp ranh ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với năm 2022. Trong năm 2023, thị trường đón nhận 907 căn nhà phố/biệt thự đến từ 28 dự án, giảm 87% so với năm trước.
Lượng tiêu thụ mới của thị trường ở mức rất thấp, khoảng 315 căn, tương đương tỷ lệ 35% nguồn cung mới, chỉ bằng 8% so với năm 2022. Giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá trung bình từ 1,9 – 2,4 tỷ đồng/căn và tập trung chủ yếu trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Trước áp lực của các loại chi phí đầu vào, mặt bằng giá sơ cấp vẫn ghi nhận mức giảm trung bình 6% - 10% so với lần mở bán trước đó. Mặt bằng giá thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 8% - 10% so với thời điểm đầu năm 2023, thanh khoản thị trường chủ yếu phát sinh ở nhóm dự án có tiến độ thi công đảm bảo, mặt bằng giá hợp lý, pháp lý rõ ràng và được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.