Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bất ngờ với thứ hạng xuất khẩu cà phê chế biến, "ông lớn" Nestlé chỉ về thứ 3
Trong niên vụ 2022-2023, giá trị xuất khẩu cà phê rang xay - hòa tan của Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đạt 74,6 triệu USD nhưng chỉ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng theo kim ngạch xuất khẩu, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Một quá cà phê vỉa hè trong khu Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Minh
Xếp cao nhất là tập đoàn kinh doanh nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới Olam trụ sở tại Singapore. Olam chọn Việt Nam làm nơi cung cấp số lượng lớn nông sản để xuất khẩu, gồm cà phê, hạt điều và tiêu.
Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch cà phê rang xay và hòa tan (không gồm cà phê nhân) lần lượt là Outspan Việt Nam thuộc Olam, Cà phê Ngon (công ty Ấn Độ), Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.
Olam có ở thị trường Việt Nam từ năm 1996 (trùng năm thành lập của Trung Nguyên, 1 năm sau khi Nestlé vào Việt Nam). Tập đoàn phát triển hoạt động trên nhiều tỉnh như Long An, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Pleiku, Đồng Nai… Nhà máy chế biến của Outspan Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) giáp TP.HCM.
Công ty Outspan có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, diện tích nhà máy là 5,3 ha, thời gian hoạt động 48 năm kể từ 2009. Outspan sản xuất tinh chất cà phê hòa tan sấy lạnh, sấy phun, dạng cốm và các sản phẩm có liên quan khác với quy mô 4,000 tấn/ năm theo công nghệ của Đan Mạch. Theo VICOFA, lượng xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan niên vụ vừa rồi của Outspan đạt hơn 17.500 tấn, giá trị hơn 100 triệu USD.
Công ty Cà phê Ngon đứng thứ hai với khoảng 14.900 tấn, hơn 79 triệu USD. CCL Products (Ấn Độ) thành lập công ty này tại Cụm Công nghiệp Cư Kuin (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) năm 2009, công suất 30.000 tấn sản phẩm cà phê hòa tan/năm. Đắk Lắk là vùng trồng cà phê diện tích lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Hạng ba về kim ngạch xuất khẩu là Nestlé với hơn 9.200 tấn cà phê rang xay hòa tan xuất khẩu, giá trị gần 75 triệu USD. Tại Việt Nam, Nestlé hiện có 4 nhà máy tại Đồng Nai và Hưng Yên. Nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai) thuộc nhóm các nhá máy cà phê lớn nhất và hiện đại Việt Nam.
Ngoài ra, Nestlé đã triển khai chương trình NESCAFÉ Plan toàn cầu (hỗ trợ ngành cà phê phát triển bền vững) tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 12 năm. Đến nay, nhờ áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ, chương trình đã giúp nông dân Tây Nguyên tiết kiệm đến 40% nước tưới và giảm 20% phân hóa học và thuốc trừ sâu, theo Nestlé.
Thứ tư trong Top 10 là nhà máy cà phê Sài Gòn của Tập đoàn Trung Nguyên tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lượng cà phê rang xay hòa tan xuất khẩu của Trung Nguyên (từ nhà máy này) trong niên vụ vừa qua là hơn 14.700 tấn, kim ngạch gần 74,6 triệu USD.
Đứng ngay sau Trung Nguyên là Tata Coffee Việt Nam thuộc tập đoàn đa ngành Tata từ Ấn Độ, với đạt kim ngạch xuất khẩu gần 33 triệu USD.
Theo Dự báo của VICOFA về thị trường cà phê Việt Nam năm nay, lượng cà phê tiêu thụ nội địa có xu hướng tăng lên và dự kiến đạt khoảng 150.000 tấn cà phê rang xay, chế biến. Ngoài ra, tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ trong nước có thể tăng lên 350.000 - 400.000 tấn/năm.
Cũng theo hiệp hội này, năm 2024, sản lượng cà phê hòa tan từ Việt Nam ước đạt 100.000 tấn (tương đương 230.000 tấn cà phê nhân) và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất. Dự báo tổng xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 vẫn có thể đạt 4,5-5 tỷ USD nhờ giá cà phê tiếp tục tăng trong khi sản lượng giảm.
Kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ trước đó, theo VICOFA. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức 4,1 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Trong đó, dòng Robusta đạt với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỉ USD. Cà phê nhân dòng Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, giá trị 169 triệu USD. Cà phê nhân đã khử caffein đạt 36.000 tấn với kim ngạch 136 triệu USD.
Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn sản phẩm, kim ngạch khoảng 510 triệu USD. Khối lượng chỉ chiếm khoảng 5,4% nhưng kim ngạch lên đến khoảng 12,5% tổng giá trị trong niên vụ vì thuộc nhóm chế biến có giá trị cao hơn cà phê nhân.