Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bia không cồn có thật sự không chứa cồn?
Một số người nghĩ rằng bia không cồn sẽ không chứa bất kỳ hàm lượng cồn nào. Tuy nhiên, quy định về bia không cồn có những khác biệt ở nhiều quốc gia.
Nhu cầu về tiêu thụ bia không cồn tăng, khi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm đến sức khỏe nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị của bia. Tuy nhiên, “bia không cồn” lại không đơn giản như tên gọi.
Trên thực tế, bia không cồn vẫn có thể chứa cồn. Trong tiếng Anh, có hai khái niệm thường được dùng để nói đến bia không cồn là “non-alcoholic” và “alcohol free”. Đều mang nghĩa không cồn, nhưng mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về lượng cồn trong thành phẩm.
Tại Mỹ, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) quy định các loại thức uống lúa mạch được gọi là “non-alcoholic” khi thành phẩm chứa nồng độ cồn dưới 0,5%. FDA cũng áp dụng thuật ngữ này cho một số loại nước ngọt, nước ép trái cây, vốn có chứa lượng cồn nhỏ trong quá trình lên men tự nhiên. Trong khi đó, để được dán nhãn là “alcohol free” thì sản phẩm không được chứa bất kỳ lượng cồn nào.
Tại Anh, hai mô tả phổ biến là lượng cồn thấp (low alcohol) khi nồng độ cồn dưới 1,2%, trong khi sản phẩm “alcohol free” của nước này có nồng độ cồn dưới 0,05%, theo Beverage Daily.
Liên minh châu Âu (EU) không có khái niệm chung cho các sản phẩm bia không cồn. Khối này sử dụng mã danh pháp để quy định các loại bia không cồn (non-alcoholic) có nồng độ cồn dưới 0,5%.
Nhiều nước trong EU lại có những giới hạn riêng. Pháp và Italy quy định sản phẩm “alcohol free” có nồng độ cồn dưới 1,2%, ở Tây Ban Nha là 1%, theo World Alcohol Awards.
Những khác biệt trong cách phân loại của mỗi quốc gia mang đến sự phức tạp khi người tiêu thụ muốn thưởng thức những sản phẩm bia không cồn.
Uống những lon bia “alcohol free” tại Mỹ, người uống có thể không có cồn trong người. Trong khi đó, uống bia “không cồn” được sản xuất ở Pháp hay Italy vẫn làm tăng lượng cồn trong máu và thậm chí say xỉn nếu uống quá mức.
Nhiều hãng sản xuất bia không cồn hiện nay có ghi rõ hàm lượng cồn trên bao bì. Người dùng nên lưu ý đến nồng độ cồn hoặc nơi sản xuất để có thể chọn loại bia phù hợp.
Quá trình sản xuất bia không cồn cũng tương tự các loại bia thông thường. Các nhà sản xuất bia sẽ bắt đầu với những thành phần cơ bản, gồm nước, men, hoa bia và ngũ cốc. Giai đoạn lên men thông thường sẽ tạo ra cồn và hương vị của bia.
Phương pháp khử cồn, lên men hạn chế, pha loãng hoặc không lên men được áp dụng để giảm nồng độ cồn xuống mức mong muốn.
Theo tờ South China Morning Post, doanh số các loại bia không cồn cũng đã tăng 90% trong hơn 10 năm qua. Những lợi ích về mặt sức khỏe, an toàn khi tham gia giao thông... là những yếu tố thúc đẩy người trẻ tiếp cận bia không cồn như một văn hóa uống có trách nhiệm.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.
Theo Zingnews