Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bình Dương nỗ lực xây nhà ở xã hội vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân ở Công ty TNHH Fotai Việt Nam (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, nhiều lao động ngoại tỉnh như anh có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp.
Bình Dương cũng có nhiều khu nhà trọ được xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu ở trọ của người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khu nhà trọ thiếu không gian công cộng, hệ thống thông gió, ánh sáng chưa đảm bảo, xuống cấp theo thời gian sử dụng.
Theo ông Khổng Trọng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương, sự phát triển nhanh các KCN kéo theo sự tập trung cư dân đông đúc từ khắp nơi chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng.
Số lượng người dân nhập cư vào Bình Dương chiếm hơn nửa dân số toàn tỉnh. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng mua được căn nhà đối với nhiều lao động còn khó khăn do thu nhập thấp.
Năm 2021, tỉnh Bình Dương kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy nhiên, so với nhu cầu về nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp thì kết quả đạt được còn hạn chế.
Theo Sở Xây dựng Bình Dương, hiện nay, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại, chưa hình thành tài sản cho người mua nhà.
Các doanh nghiệp, tổ chức cũng không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp, lợi nhuận không cao.
Một số nhà đầu tư các dự án trong KCN thời gian qua mới tập trung đầu tư hạ tầng KCN, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trong khi điều kiện đặc thù của công nhân, lao động có thời hạn và không ổn định. Nếu không có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này thì không thu hút được công nhân, người lao động gắn bó lâu dài tại địa phương.
Đầu tư 160.325 căn nhà ở xã hội phục vụ hơn nửa triệu dân
Xu hướng đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị và tăng dân số cơ học ở Bình Dương được dự báo vẫn tiếp diễn. Tốc độ đô thị hóa ở tỉnh khá cao, hiện là 82%; dự báo đến 2030 có khả năng đạt 90%.
Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, phát triển nhà ở xã hội là nội dung quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là một trong những mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư tỉnh.
Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động, người yếu thế có cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả.
Đề án được ban hành sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội; đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tựmg người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu, cụm công nghiệp về nhà ở.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1696 phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định này nhằm thực hiện hiện Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Theo Quyết định số 338, Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Dương phát triển 86.877 căn so với dự báo nhu cầu là 115.836 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Sở xây dựng Binh Dương cho biết, Đề án nhà ở xã hội của tỉnh được xây dựng dựa vào kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, các phân tích về mức độ tích lũy tài sản, giá nhà ở xã hội trung bình, các phương án cho vay để mua nhà ở xã hội, cũng như số lượng công nhân có đủ khả năng tài chính tiếp cận.
Theo Đề án, tỉnh dự kiến đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội, bao gồm 155.289 căn chung cư và 5.036 nhà liên kề. Trong đó, số căn cho thuê khoảng 32.065 căn. Tổng diện tích đất đầu tư khoảng 470,4ha; diện tích sàn xây dựng ước đạt 9.253.924 m2.
Ông Võ Hoàng Ngân cho biết, diện tích này sẽ đáp ứng cho khoảng 552.458 dân số, với tổng mức đầu tư khoảng 84.756 tỷ đồng. Các chỉ tiêu của Đề án cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Quyết định số 338.