Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bình Dương sẽ thành đầu mối logistics quan trọng của vùng
Bình Dương phát triển logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mới đây, Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2024-2029. Bà Huỳnh Đinh Thái Linh - Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương (WTC Bình Dương) được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.
Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Chủ tịch Viện nghiên cứu Logistics Việt Nam, Bình Dương có lợi thế về vị trí, thế mạnh phát triển công nghiệp và hạ tầng đô thị, giao thông được quy hoạch đồng bộ.
Kho tập kết hàng của một doanh nghiệp logistics ở KCN Đồng An, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh
Bình Dương có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Trong đó, logistics Bình Dương có tiềm năng trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.
"Thời gian tới, Bình Dương cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực logistics, quản lý chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của các nhà đầu tư logistics đến Bình Dương", TS. Hồ Thị Thu Hòa đề nghị.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh – Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 trung tâm logistics quy mô lớn.Trong đó, tỉnh có 3 ICD và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa; cùng với nhiều cảng sông, kho hàng đang phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất.
Theo bà Linh, Bình Dương xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, giai đoạn 2024-2030, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%.
Bình Dương phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông, giao thông vận tải, đưa Bình Dương trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ chuyên môn về logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bà Linh chia sẻ, đây cũng là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.