Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Các hãng xe lớn mất thị phần do cạnh tranh khốc liệt từ Vinfast và xe Trung Quốc
Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành ô tô năm 2022 vừa công bố, chuyên gia của SSI Research, nhận định, nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% trong năm 2022.
"Chúng tôi cho rằng với mức nền so sánh thấp trong năm 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022", các chuyên gia phân tích tại SSI, đánh giá.
3 "ông lớn" ô tô giảm mất 5% tổng thị phần
Nhìn lại năm 2021, do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh số bán ô tô 9 tháng đầu năm 2021 tại Việt Nam chỉ đạt 198.000 chiếc, giảm 3% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại trong quý IV/2021, doanh số ô tô đã có sự hồi phục mạnh, với ước tính 156.000 xe bán ra trong quý IV (tăng 16% so với cùng kỳ), giúp doanh số cả năm 2021 ước đạt 354.000 chiếc (tăng 5%).
Theo SSI Research, sự phục hồi của ngành ô tô được hỗ trợ bởi Thông tư 103 /2021/ND-CP gần đây của Chính phủ, giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021. Bên cạnh đó, năm qua cũng chứng kiến xe nhập khẩu tràn vào thị trường với cạnh tranh gia tăng từ các hãng Trung Quốc.
Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2021, tổng cung ô tô tại Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó ô tô nhập khẩu tăng 26%, chiếm 38% tổng doanh số bán xe ở Việt Nam (tăng 3% so với 2020), trong khi ô tô lắp ráp trong nước chỉ tăng 2%.
Đặc biệt, nhu cầu xe Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Trong 9 tháng năm 2021, có 16.300 xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, gấp 5 lần so với cùng kỳ và chiếm 22% tổng số ô tô nhập khẩu.
Theo SSI Research, năm 2021, các hãng xe lớn mất thị phần do cạnh tranh khốc liệt từ Vinfast và xe Trung Quốc.
"Top 3 hãng xe lớn bao gồm Hyundai, Toyota và Thaco mất 5% tổng thị phần trong năm 2021, trong khi Vinfast giành thêm nhiều thị phần nhất (tăng 4% thị phần trong 2021) và thị phần hãng xe Trung Quốc nhập khẩu tăng 2% thị phần do các thương hiệu mới và nhỏ như VinFast, MG, BAIC giảm giá mạnh, đặc biệt trong đợt bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 4", báo cáo của SSI Research, ghi nhận.
Cơ hội nào cho ngành ô tô năm 2022?
Theo các chuyên gia của SSI Research, tình trạng thiếu cung chip tiếp tục làm giảm nguồn cung ô tô trong năm 2022, vì thế lợi nhuận các công ty ô tô có thể đạt tăng trưởng mạnh.
Dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu ước tính giảm trung bình 4% so với cùng kỳ trong năm 2022, do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn cho đến nửa cuối năm. Thêm vào đó, nhiều công ty ô tô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và việc này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ô tô trong năm nay.
"Cả nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này", phía SSI dự báo.
Đặc biệt, liên quan đến sự kiện VinFast tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022 để tập trung vào xe điện, theo đánh giá của SSI Research, điều này sẽ tạo cơ hội cho nhiều hãng xe khác.
"Hiện tại, xe xăng của VinFast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, do đó, khi VinFast dừng sản xuất xe xăng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu. Ngoài ra, do Vinfast là một trong những công ty có khả năng cạnh tranh cao về giá, việc thương hiệu này rời thị trường có thể giúp giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác", chuyên gia SSI Research, dự báo.
Bù lại, Vinfast ra mắt mẫu xe điện đầu tiên lắp ráp trong nước, dẫn đầu xu hướng mới trên thị trường ô tô. Trong 2021, Vinfast ra mắt mẫu xe điện e34 đầu tiên được lắp ráp trong nước và bắt đầu đầu tư mạnh vào trạm sạc điện với ước tính khoảng 2.000 trạm sạc điện (40.000 điểm sạc) trên khắp Việt Nam.
Điều này mở ra xu hướng xe điện mới tại Việt Nam có thể thay đổi đáng kể thị trường ô tô trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng và nhiều ưu đãi từ Chính phủ ở thời điểm hiện tại.
"Trong năm 2021, tình trạng thiếu hụt chip kéo dài đã có tác động bất ngờ đến ngành ô tô. Theo ước tính của Hiệp hội Linh kiện điện tử thế giới (ECIA), thời gian hoàn thành cho một đơn đặt hàng linh kiện chip ô tô ở thời điểm tháng 12/2021 đã kéo dài tới 5 tháng (gần 22 tuần), gấp đôi thời gian đặt hàng bình thường trước dịch Covid-19 do vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu.
Vì thế, trong giai đoạn này, nhiều hãng xe đã phải cắt giảm 5-10% sản lượng sản xuất, hoặc tạm hoãn ra mắt các mẫu xe mới.
Tuy nhiên cho dù doanh số giảm, nhiều công ty ô tô lại có lợi nhuận tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận ròng toàn cầu của các hãng xe Honda, Ford và Toyota lần lượt tăng 129%, 480% và 102% so với cùng kỳ do nguồn cung ô tô giảm..." - báo cáo của SSI Research, nêu.
Ô tô điện được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, xe VinFast hưởng lợi
13/01/2022 06:30VinFast nâng bảo hành lên 10 năm cho các dòng ô tô chạy xăng
12/01/2022 15:55Thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2021: Hyundai vượt mặt Toyota
12/01/2022 13:01