Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chấm điểm khả tín ngân hàng để người dân tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng, thí điểm tại Vietcombank
100% người dân đã được cấp căn cước công dân gắn chip
Chiều 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 2 năm triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
2 năm thực hiện Đề án 06, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 6 chỉ thị, 23 nghị quyết, 4 công điện với 413 nhiệm vụ... Mô hình Tổ công tác triển khai Đề án 06 được kiện toàn ba cấp tại 63 tỉnh thành. Các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Căn cước; hoàn thành 4 văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở Dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.
CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương được kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp viễn thông với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Bên cạnh đó, các CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối.
Đặc biệt, 2 năm thực hiện Đề án đã hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID), trong đó đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng chống COVID-19; tích hợp thông tin cư trú của công dân …
Chấm điểm khả tín ngân hàng để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những kết quả đạt được cho thấy, triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp điều kiện của Việt Nam, đã mang lại kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp. Qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng đồng ý lựa chọn chủ đề của năm 2024 là "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hoá dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp".
Nhóm 4 nhiệm vụ năm 2024 được Thủ tướng nhấn mạnh gồm triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó yêu cầu 12 địa phương Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.
Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý I/2024, để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc.
Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TP. Hà Nội hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Về tiếp cận tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Công an tích cực triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả. Yêu cầu triển khai thí điểm tại Vietcombank đầu năm 2024.
Về phủ sóng viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai phủ sóng viễn thông toàn bộ các điểm lõm, để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng, không ai bị bỏ lại, không để phát sinh thêm các điểm lõm sóng mới, hoàn thành ngay quý I/2024.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Thủ tướng cũng yêu cầu 15 địa phương: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP.HCM Tuyên Quang, Trà Vinh được yêu cầu trình HĐND cùng cấp có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hoàn thành trước tháng 6/2024.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024. Trong đó, Bộ Công an tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cố gắng hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác CSDLQG về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu. Nhiệm vụ này được yêu cầu hoàn thành trong quý I/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, báo cáo Chính phủ về kế hoạch đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia.