Clip: Trương Văn Công và hành trình đem công nghệ lên bản cao

 - Ảnh 1.

Ở Cần Yên, một xã nghèo giáp biên của tỉnh Cao Bằng, bà con nhân dân ai cũng quý mến Trương Văn Công - chàng thanh niên người Tày vừa cần cù chịu khó lại có tấm lòng nhân hậu tận tâm giúp đỡ mọi người.

Cuối năm 2017, sau nhiều năm bươn chải mưu sinh tại Hàn Quốc, anh trở về quê hương và bắt đầu khởi nghiệp mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao. Từ lâu trong chàng trai 9X này đã ấp ủ ước mơ làm giàu từ con đường chăn nuôi sạch, khoa học, ít bệnh tật.

Trang trại của anh rộng khoảng hơn 200m2 với 100 con lợn giống. Sự nhiệt huyết và hoài bão lớn của tuổi trẻ khiến anh không ngần ngại đi vay vốn để có thể sắm sửa những trang thiết bị y tế tốt nhất cho chuồng trại.

Trang trại lợn của anh Công là điểm sáng tại xã Cần Yên - một xã nghèo giáp biên tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Lyly.


 - Ảnh 2.

Vừa mới mon men khởi nghiệp, khó khăn đã ập tới với chàng trai trẻ 9X. Đầu năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều người nuôi lợn bị thua lỗ nặng, nhiều chuồng trại bỏ trống vì lợn chết hàng loạt. Lúc ấy, anh Công chưa có kinh nghiệm, trang trại mới chưa ổn định đầu ra, giá lợn thấp kịch sàn. Bao nhiêu hy vọng và tài sản gom góp nhiều năm, anh dồn hết cả vào mô hình này. Bỗng chốc, tất cả như một đám mây đen xám xịt chuẩn bị đổ ập xuống thành cơn bão của nợ nần và thất vọng.


 - Ảnh 3.

Thế nhưng, chàng trai sinh năm 1990 không dễ dàng ngã gục mà lại đứng lên bước tiếp những bước đi táo bạo. Anh vay vốn ngân hàng thêm 100 triệu đồng nữa để mua lợn giống. Người thân, bạn bè đều kịch liệt phản đối quyết định này.

Anh Công tâm sự: “Khi ngoài kia biết bao nhiêu hộ kinh doanh vì dịch bệnh phải bỏ trống chuồng trại, ngừng nuôi lợn để hạn chế rủi ro. Bản thân tôi cũng mới bị khủng hoảng về kinh tế lẫn tinh thần từ dịch, liệu tôi có thể trụ vững và vượt qua giai đoạn này không? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người hỏi tôi. Tôi suy nghĩ và cân nhắc một tuần rồi đưa ra quyết định: Cứ đi rồi sẽ đến, có kiên trì ắt có một lối đi riêng.”

Trương Văn Công và hành trình đem công nghệ lên bản cao - Ảnh 6.

Clip: Đầu tư trang trại lợn công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế vượt trội

Sau thất bại ấy, anh nhận ra bài học xương máu rằng: Để thành công thì việc phòng bệnh cho đàn lợn đóng vai trò rất quan trọng. Ai vào thăm trang trại cũng đều phải đi qua một buồng khử khuẩn để đảm bảo không mang theo mầm bệnh lây cho lợn. Hệ thống nước uống và vệ sinh được lắp đặt tự động để thay và phun nước tắm cho lợn, dọn rửa chuồng trại hàng ngày.

Anh Công cũng xây dựng bể xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Trang trại có thiết bị y tế đầy đủ như thuốc, máy soi tinh, tủ lạnh bảo quản tinh.

Các con lợn được chăm sóc và thăm nom kỹ lưỡng. Ngoài hệ thống camera giám sát, mỗi con lợn đều có một thẻ nái riêng. Trên thẻ có ghi đầy đủ thông tin về số tai, ngày sinh, giống, ngày nhập, ngày phối, ngày đẻ, số con, ngày tiêm phòng, giai đoạn ăn, …


Trang trại lợn có buồng khử khuẩn, hệ thống camera giám sát, thẻ nái riêng cho mỗi con lợn, đèn sưởi ấm, trang thiết bị y tế đầy đủ. Ảnh: Lyly.

Các con lợn nhỡ được nhốt chung ở chuồng rộng để vận động gân cốt, phát triển khung xương. Các con đến giai đoạn lấy thịt thì sẽ được nhốt riêng chuồng để tăng khối lượng thịt thương phẩm.

Tổng chi phí đầu tư mô hình này khoảng hơn 1 tỷ đồng, chưa bao gồm thức ăn cho lợn.

Anh Công đều đặn đi thăm nom đàn lợn mỗi ngày. Tùy theo giai đoạn phát triển thì lợn sẽ được nhốt vào các chuồng với kích cỡ khác nhau để đạt năng suất cao nhất. Ảnh: Lyly.

Trương Văn Công và hành trình đem công nghệ lên bản cao - Ảnh 11.

Bên cạnh việc đầu tư hệ thống hiện đại, anh cũng đẩy mạnh việc đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Qua nhiều tháng ngày kiên trì, bền bỉ, cuối năm 2018, anh đã trả được hết các khoản vay và thu hồi vốn.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Trương Văn Công còn tận tình giúp đỡ bà con trong vùng. Anh hỗ trợ lợn giống, cám, đồng thời hướng dẫn bà con cách tiêm vaccine, vệ sinh, khử trùng chuồng trại để đàn lợn phát triển khỏe mạnh nhất. Anh Lý Văn Huy - một trong 15 hộ gia đình nhận lợn giống từ trang trại của anh Công chia sẻ: “Tôi rất vui vì Công đã tạo ra những con giống, phát triển đàn lợn trong khu vực. Hơn 20 con lợn giống tôi lấy chỗ anh Công về nuôi, chúng phát triển rất đồng đều và ít bệnh tật.”

Nhiều người ở các tỉnh khác như Tuyên Quang, Hà Giang cũng tìm đến mua lợn giống của anh. Bởi đàn lợn của anh phát triển đồng đều, chóng lớn và ít bệnh tật. Có thời điểm, anh xuất khẩu cả nghìn con lợn thịt sang Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần so với giá thị trường thịt gia súc ở nước ta.

Trang trại của anh Công hiện nay đã mở rộng lên 800m2 với khoảng 500 con lợn, mang về lợi nhuận nửa tỷ đồng mỗi năm. Câu chuyện thành công của anh là niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ con đường chăn nuôi công nghệ cao.

Mô hình nuôi lợn công nghệ cao của anh Công mang về lợi nhuận nửa tỷ đồng mỗi năm. Đàn lợn phát triển đồng đều, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Ảnh: Lyly. 

Thực hiện: Phương Quỳnh - Duy Hải