Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công
Mục tiêu giải ngân này vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi trong thông báo số 511/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ tại hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Đến hết tháng 11/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 65,1% kế hoạch, theo thông báo trên. Kết luận cũng cho biết 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương đến nay chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao.
Có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 15% và 8 địa phương giải ngân dưới 50%.
Kết luận trên nhấn mạnh: "Còn nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ".
Về nguyên nhân chậm giải ngân, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu ra nhiều lý do. Trong đó bao gồm công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời; năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế; kỷ cương kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Ngoài ra, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu thi công, nhất là đối với các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Trong giai đoạn nước rút, Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình.
Chính phủ cũng cho biết xẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn.
Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành.
Những biện pháp cấp bách được kết luận trên nêu ra cũng bao gồm giám sát, đôn đốc các nhà thầu và tư vấn đẩy nhanh tiến độ; các cơ quan quản lý nhà nước phải hướng dẫn và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Trách nhiệm của các bộ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phải hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. MPI phải công bố trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử của bộ về kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính là chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến; tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn nước ngoài.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường bộ cao tốc.
Bộ Xây dựng phải hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng phù hợp với diễn biến giá thị trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẩn trương sửa đổi các quy định, Nghị định liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trước ngày 20/12/2023.
Ngoài ra, 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
TP.HCM: Năm 2024, hơn 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
07/12/2023 10:14