Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chi hơn trăm triệu cho thú cưng đi spa
Không ngại chi bộn tiền cho thú cưng làm đẹp
Chị Trần Xuân Mai hiện đang định cư bên Úc cho biết, từ năm 2018, chị ra nước ngoài sinh sống và để lại 7 chú chó poodle ở Việt Nam. Vì không có thời gian bên cạnh chúng để đưa đi làm đẹp hàng tháng nên chị mua trọn gói một năm hơn 100 triệu tại spa.
Chị kể, mỗi tháng, nhân viên tại spa sẽ có xe lưu động đến tận nhà (Thảo Điền, TP Thủ Đức) rước cún cưng đi trải nghiệm dịch vụ "Pet Spa-cation". Tại đây, 7 chú poodle sẽ được kiểm tra kỹ các vấn đề về da, lông để chọn dòng sữa tắm phù hợp, để không gây kích ứng.
Buổi spa của cún cưng kéo dài khoảng 4 tiếng gồm: vệ sinh tai, bàn chân, cạo lông bụng, tắm xả, cắt tỉa, đánh phồng lông, sấy… Kết thúc buổi spa, các chú chó sẽ được lên xe đưa về tận nhà.
"Mặc dù ở xa nhưng tôi rất an tâm, ở spa vệ sinh và chăm sóc vật nuôi rất chu đáo và tận tâm. Để cún cưng được thoải mái, tôi không ngại chi tiền làm đẹp cho chúng", chị chia sẻ.
Loại hình như chị Mai đang sử dụng đang nở rộ ở Việt Nam, còn gọi là xu hướng "pet humanisation" (nhân hóa thú cưng). Chủ vật nuôi xem thú cưng như những đứa trẻ, tạo dựng chế độ ăn uống, hưởng lối sống và các dịch vụ chăm sóc đặc biệt.
Anh Phạm Bá Hằng, chủ spa thú cưng Icarepet tại quận Gò Vấp cho biết, nhu cầu làm đẹp cho thú cưng ngày càng cao. Nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, khi nhiều chủ nuôi có điều kiện sẵn sàng chi số tiền lớn để thú cưng hưởng thụ các dịch vụ làm đẹp. Hoặc nhờ trông hộ khi họ đi công tác hay đi du lịch xa.
Theo một thống kê không đầy đủ, tổng số thú cưng ở Việt Nam tính riêng chó và mèo đạt khoảng 11 triệu con, với tổng giá trị các ngành hàng liên quan ước tính đạt khoảng 500 triệu đô la (theo Pet Fair Asia Report và Google Keyword Planner).
Ngoài ra, theo khảo sát năm 2023 của TGM Gobal Pet Care survey tại Việt Nam, có tới 85% người được hỏi yêu thích thú cưng, đồng thời cũng có tới 67% có sở hữu thú cưng (thế giới bình quân 58%), trong đó 74% người Việt sở hữu chó, và 51% sở hữu mèo.
Đặc biệt có tới 53% người tham gia khảo sát sở hữu ít nhất 2 thú nuôi trong nhà. Sự quan tâm đến các vấn đề về thú cưng gia tăng mạnh mẽ 3 năm trở lại đây, và đạt 1,9 triệu lượt tìm kiếm trên các trang mạng vào năm 2021. Mức chi tiêu của các hộ gia đình cho em bé bốn chân cũng rất phong phú.
Anh Hằng cho biết tại TP.HCM có hàng trăm spa thú cưng mọc lên. "Trên con đường Lê Văn Thọ nơi tôi ở, cứ 500m là có một spa thú cưng, cho thấy mật độ phát triển ngành dịch vụ này cực lớn", chủ spa nói.
Spa của anh Hằng thành lập từ năm 2017, có 3 chi nhánh ở TP.HCM. Anh cũng là một trong những người tiên phong về loại hình dịch vụ làm đẹp cho thú cưng này. Hiện tại cửa hàng của anh có 3 loại hình dịch vụ gồm: spa làm đẹp, khách sạn lưu trú và quán cà phê thú cưng.
Riêng mảng spa thú cưng, anh Hằng chú trọng hơn với việc phục vụ tại chỗ và đến tận nhà cho khách. Anh kể, thời gian đầu chưa nhiều người biết đến dịch vụ, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5-10 thú cưng. Đến nay, lượng khách đến cửa hàng của anh Hằng tăng mạnh lên đến 30-40 bé cún mỗi ngày, lễ tết khoảng 100 con.
Hiện mức giá tắm và vệ sinh cho thú cưng tại tiệm dao động từ 550.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng cho 3 lần tắm. "Tùy cân nặng của thú cưng mà có mức giá khác nhau", anh nói.
Ngoài ta, dịch vụ cắt, tỉa lông từ 350.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/lần, cạo vôi răng từ 300.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/thú cưng.
Khách sạn cho thú cưng lưu trú và chăm sóc đặc biệt
Riêng dịch vụ khách sạn cho thú cưng, anh Hằng cho biết tùy theo nhu cầu của khách mà có có mức giá riêng. Gửi theo ngày có giá 150.000 - 550.000 đồng, giá theo năm trung bình 3,5 triệu - 8 triệu đồng, tùy theo cân nặng của thú cưng. Phí lưu trú đã gồm ba bữa ăn, theo dõi sức khỏe, cho đi vệ sinh, vui chơi hoặc dắt đi dạo ngoài trời.
"Đối với thú cưng nhỏ sẽ có diện tích phòng từ khoảng 50cm2, loại lớn sẽ bố trí ở phòng diện tích tầm trên 1,2m2. Mỗi phòng đều được lắp đặt camera theo dõi", anh Hằng cho hay.
Đặc biệt, anh Hằng cũng quy định rõ đối với thú cưng được gửi lưu trú từ một năm trở lên phải được xét nghiệm kỹ trước khi nhận. Theo anh, việc làm này nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của vật nuôi, phòng trường hợp trong quá trình giữ, chúng mắc bệnh thì người chủ phải chịu trách nhiệm.
"Đó cũng là cách để bảo vệ rủi ro cho cửa hàng và cả chủ nuôi, tránh việc kiện tụng không mong muốn", anh nói.
Mới đây, một khách ở quận 7 đã chi cả 100 triệu đồng/năm gửi chú cún con của mình tại khách sạn của anh Hằng. Anh cho biết, chị khách làm bên lĩnh vực xây dựng nên hay đi công tác, nếu để cún cho người khác chăm sóc lại không an tâm.
"Nhiều lúc thú cưng còn được chăm sóc hơn cả người. Ở đây, chúng tôi vừa theo dõi sức khỏe, cho ăn, cho cún chơi đùa, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. Nên chủ nuôi luôn tin tưởng đến gửi lưu trú", chủ cửa hàng kể.
Anh Hằng cho biết, sắp tới, cửa hàng anh sẽ đẩy mạnh hơn dịch vụ spa thú cưng lưu động tận nhà để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng người già, trẻ con và khách hàng hay đi công tác xa…
Bệnh viện chăm sóc thú cưng lưu động đầu tiên ở TP.HCM
24/10/2023 06:32Bán hàng online: Sân chơi không dành cho người nghiệp dư
26/10/2023 13:29Cảnh đìu hiu, nhếch nhác tại chợ đêm, phố đi bộ ở TP.HCM
24/10/2023 16:13