Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chính phủ Mỹ kiện Apple, cáo buộc về nhiều điều bất hợp pháp
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đệ đơn kiện Apple vào ngày 21/3 với cáo buộc rằng hệ sinh thái iPhone của Apple đã vi phạm luật chống độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác.
DOJ cáo buộc Apple đẩy giá lên cao đối với người tiêu dùng và nhà phát triển, đồng thời khiến người dùng phụ thuộc nhiều hơn vào iPhone. Các cáo buộc cũng nói Apple áp đặt hạn chế đối với nhà phát triển và kiểm soát những cách truy cập quan trọng vào điện thoại để ngăn chặn sự cạnh tranh.
"Apple sử dụng sức mạnh độc quyền của mình để vắt thêm tiền từ người tiêu dùng, nhà phát triển, người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhỏ và thương nhân," Bộ Tư pháp Mỹ viết.
Chính phủ Mỹ chỉ ra một số cách khác nhau mà Apple bị cáo buộc đã duy trì thế độc quyền bất hợp pháp:
- Ngăn chặn các "siêu ứng dụng" có thể làm giảm độ gắn bó của người dùng với iOS, khiến cho họ dễ dàng chuyển sang các thiết bị cạnh tranh.
- Chặn các ứng dụng phát trực tuyến đám mây cho các nội dung như trò chơi điện tử, vốn có thể giảm nhu cầu về phần cứng đắt tiền hơn.
- Giảm chất lượng nhắn tin giữa iPhone và các nền tảng cạnh tranh như Android.
- Hạn chế chức năng của đồng hồ thông minh của bên thứ ba với iPhone và khiến người dùng Apple Watch khó chuyển từ iPhone do vấn đề về khả năng tương thích.
- Ngăn cản các nhà phát triển bên thứ ba tạo ra ví điện tử cạnh tranh với chức năng chạm để thanh toán trên iPhone.
Theo kênh CNBC của Mỹ, vụ kiện có thể buộc Apple phải thực hiện nhiều thay đổi trong hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm iPhone, Apple Watch và mảng kinh doanh dịch vụ.
Báo cáo doanh thu cho biết trong năm 2023, mảng kinh doanh iPhone đã mang về cho Apple hơn 200 tỷ USD doanh thu. Apple Watch, một phần trong hoạt động kinh doanh thiết bị đeo của công ty, cũng mang về 40 tỷ USD.
"Như đã nêu trong đơn kiện, Apple hiện có sức mạnh đó trên thị trường điện thoại thông minh. Nếu không bị phản đối, công ty này sẽ tiếp tục củng cố vị thế độc quyền của mình", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết.
Apple cho biết họ không đồng ý với các cáo buộc trên và sẽ chống lại điều đó. Tuyên bố cùng ngày 21/3 của Apple nêu rõ vụ kiện đe dọa các nguyên tắc đặt các sản phẩm của Apple lên hàng đầu trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt. Apple cho rằng nếu thành công, vụ kiện cản trở khả năng của hãng trong việc tạo ra loại công nghệ giao thoa giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ mà mọi người mong đợi từ Apple.
Vụ kiện trên là một phần trong chiến dịch của Chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát các tập đoàn công nghệ như Apple Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Amazon. Ngoài vụ kiện tại Mỹ, Apple cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Vụ kiện này đe dọa những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Nếu vụ kiện thành công, nó sẽ cản trở chúng tôi tạo ra những công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple, khi phần cứng, phần mềm và dịch vụ được giao thoa.
Chưa dừng lại ở đó, vụ kiện còn có thể tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ dành cho con người", một phát ngôn viên của Apple chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu Apple đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi độc quyền. Trong vụ kiện với Epic Games vào năm 2020, công ty đã thuyết phục thẩm phán rằng khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hệ điều hành trên iPhone và nền tảng Android của Google.