Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được mệnh danh là “Đệ nhất danh lam”, tức ngôi chùa có cảnh quan đẹp nhất trời nước Nam. Ngôi cổ tự in đậm nét kiến trúc cổ kính trầm mặc của các vương triều phong kiến. Nơi đây vốn nổi tiếng với hai pho tượng là nhục thân bất hoại của nhị vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường từ hơn 3 thế kỷ trước.

Chùa Đậu còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc của các triều đại phong kiến với các họa tiết trạm trổ rồng, kỳ lân, ngói mũi hài,... Nơi đây còn có hai pho tượng quý là nhục thân bất hoại của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường từ hơn ba thế kỷ trước. Ảnh: Duy Hải.

Chùa Đậu cũng chính là một trong bốn ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, nơi chốn tổ linh thiêng của biết bao Phật tử gần xa tìm về nương tựa. Ngôi chùa 2000 năm tuổi có nhiều tên gọi gắn liền với những giai thoại huyền bí hấp dẫn.

Clip: Chùa Đậu - Ngôi cổ tự 2000 năm tuổi gắn liền với những giai thoại huyền bí hấp dẫn

Chùa Đậu - Ngôi cổ tự hơn 2000 năm tuổi với những giai thoại huyền bí hấp dẫn - Ảnh 1.

Tại đây còn giữ được cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Thái Thú Sĩ Nhiếp từ đầu thế kỷ thứ 3 (200 - 210). Sách kể rằng, một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất trông tựa hình một bông sen đang nở. Lại nghe đồn năm đó như có luồng linh khí phát quang ở vùng này, Quách Thông trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đó là nơi đất Phật, bèn sai lập chùa để dân trong vùng làm chốn tu nguyện đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự.

Sách đồng tại chùa Đậu ghi lại lịch sử hình thành của chùa từ thời Thái Thú Sĩ Nhiếp và bia đá Pháp Vũ tự. Ảnh: Duy Hải

Chùa Đậu - Ngôi cổ tự hơn 2000 năm tuổi với những giai thoại huyền bí hấp dẫn - Ảnh 4.

Bồ Tát Pháp Vũ thuộc hệ thống Tứ Pháp, tức là 4 nữ thần trong tín ngưỡng của người Việt xưa: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện. Các thần làm phép mây, mưa, sấm, chớp phục vụ mùa màng cho nhân dân. Điều này gắn bó sâu sắc trong tâm thức người dân bản địa và mang bản sắc nền nông nghiệp lúa nước.

Ở Chùa Đậu thờ Bồ Tát Pháp Vũ hiện thân là người nữ nên chùa còn có một tên gọi mộc mạc là chùa Bà. Vì sự tôn kính nơi cửa Phật, ở nơi đây mọi người tránh không gọi nhau bằng bà mà kêu bằng “mụ”. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đó là tình cảm thiêng liêng gắn liền với phong tục tránh phạm húy từ xa xưa của người Việt.

Tượng Bồ Tát Pháp Vũ tại chùa Đậu, một trong bốn vị thần thuộc tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong dân gian. Ảnh: Internet.

Chùa Đậu - Ngôi cổ tự hơn 2000 năm tuổi với những giai thoại huyền bí hấp dẫn - Ảnh 4.

Chùa chủ yếu dành cho các bậc vua chúa đến lễ bái cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Người dân chỉ được vào chùa trong ba ngày có hội trong một năm là mùng 8, mùng 9, mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Do vậy, ngôi cổ tự này còn có tên khác là chùa Vua. Trong chùa có 2 ngôi Tam bảo, một nơi dành cho Vua, một nơi dành cho nhân dân vào lễ bái. 

Chùa Đậu được nhiều đời vua chúa sửa chữa, tôn tạo. Đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa được phong “Đệ nhất danh lam”.

Tượng các vị La Hán, Bồ Tát, Hộ Pháp tại chùa Đậu. Ảnh: Duy Hải.

Ngôi chùa được xây dựng với một quy mô tổng thể rất lớn, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Nghĩa là trong khuôn viên chùa, các công trình kiến trúc thờ tiền Phật, hậu thánh, được bố cục giống như hình chữ công, xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ “国” ( quốc ) theo mẫu chữ Hán. Tổng thể khuôn viên chùa Đậu bao gồm: Tam quan, nhà tả vu – hữu vu, tiền đường, tam bảo, nhà tổ,...

Chùa Đậu - Ngôi cổ tự hơn 2000 năm tuổi với những giai thoại huyền bí hấp dẫn - Ảnh 5.

Ngay từ khi mới lập, chùa đã nổi tiếng linh thiêng. Bậc chí sĩ, nho sinh tới cầu thi cử đỗ đạt, quan lộ hanh thông. Người nông dân tới cầu mùa màng tươi tốt, nhiều lộc nhiều hoa, quả đậu trĩu cành. Ai thành tâm cầu nguyện, biết làm các điều thiện để bù lại ơn phước thì đều được như ý nguyện, vạn sự kiết tường. Từ đó dân gian gọi nơi đây với cái tên đầy ắp may mắn là chùa Đậu (Đậu cũng có nghĩa là Thành Đạt.)

Chùa Đậu - ngôi cổ tự gửi gắm những ước mơ và khát vọng. Ảnh: Duy Hải

Mỗi tên gọi của chùa Đậu đều gắn liền với những ước mơ và khát vọng tốt đẹp, mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc. Hơn hai thiên niên kỷ đã đi qua, vạn hữu thăng trầm hợp tan, chùa Đậu vẫn đứng vững chãi thâm nghiêm nơi cánh đồng quê lúa, là nơi những người con Phật tìm về nương tựa để tìm thấy hạnh phúc an lạc.

Hồ sen ở chùa Đậu một ngày trưa tháng sáu. Ảnh: Duy Hải

Thực hiện: Phương Quỳnh - Duy Hải