Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chuyên gia HSBC dự báo nóng diễn biến tỷ giá tiền đồng
Nhu cầu nội địa và xuất khẩu cũng như việc khách du lịch đến Việt Nam nhiều sẽ mang đến yếu tố hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam, đó là quan điểm được ông Frederic Neumann, giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC đưa ra trong hội thảo về triển vọng kinh doanh được tổ chức vào ngày hôm nay.
Ông nhìn nhận ra sao về tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay và dự báo ra sao về triển vọng của Việt Nam trong thời gian tới?
Chúng ta đã khởi đầu năm 2023 đầy khó khăn bởi nhu cầu nội địa giảm nhưng cũng còn bởi xuất khẩu nhiều loại mặt hàng ví dụ như hàng điện tử đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam đối mặt với cả những "cơn gió ngược" ở nội địa và ở bên ngoài. Thế nhưng trong thời gian gần đây cũng có những dấu hiệu tích cực, đà giảm của xuất khẩu bắt đầu chậm lại, cùng lúc đó, kinh tế nội địa cũng có những cải thiện.
Có thêm du khách nước ngoài đến Việt Nam, các đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, thêm các chi tiêu tài khóa được thực thi.
Đối với năm 2023, HSBC dự báo về khả năng kinh tế tăng trưởng 5%, mức tăng trưởng này dưới ngưỡng trung bình của Việt Nam thế nhưng vẫn là mức tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.
Trong năm tới, tôi tin kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện, GDP có thể tăng trưởng 6,3% và thậm chí có thể cao hơn, tuy nhiên dù cao hơn cũng không thể đến 7% bởi bối cảnh kinh tế toàn cầu còn quá nhiều thách thức.
Nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đều yếu, chính vì vậy nhu cầu hàng hóa xuất khẩu nếu phục hồi cũng chỉ ở mức khá thấp. Kinh tế nội địa sẽ hồi phục thế nhưng sẽ cần phải có thời gian tín dụng mới tăng trưởng trở lại, để ngân hàng có thể lại cho vay mạnh tay trở lại thì trước tiên người tiêu dùng phải muốn chi tiêu nhiều hơn.
Năm 2024 vì vậy có thể coi như năm chuyển tiếp đến thời gian tăng trưởng cao hơn sau đó. Năm 2024 có thể coi như năm chuyển tiếp giữa năm 2023 vốn có nhiều thách thức và năm 2025 có mức tăng trưởng cao.
Trong thời gian qua, diễn biến tỷ giá USD/VND đã có nhiều biến động. Ông nhận định ra sao về diễn biến tỷ giá của đồng nội tệ Việt Nam trong thời gian tới?
Trước tiên chúng ta cần phải nhìn lại lý do nào đã khiến cho tiền đồng Việt Nam trong thời gian qua có những biến động về tỷ giá. Đồng USD Mỹ đã rất mạnh, và trên thực tế việc đồng tiền hạ giá không phải chỉ của riêng tiền đồng Việt Nam mà đó còn là câu chuyện của đồng nhân dân tệ Trung Quốc hay đồng yên Nhật bản hay đồng peso Philippines. Như vậy diễn biến của tiền đồng Việt Nam hay nhiều đồng tiền khác phản ánh cho sự mạnh lên của đồng USD.
HSBC dự báo tỷ giá tiền đồng Việt Nam ở thời điểm cuối năm sau ở mức khoảng 24.400 VND/USD và cuối năm nay ở mức 24.200 VND/USD, chính vì vậy HSBC không tin tiền đồng chịu nhiều áp lực suy giảm.
Nếu nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, cán cân thương mại đã cải thiện tích cực trong khoảng 3, 4 tháng trở lại đây, xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại còn nhập khẩu giảm, rất đông khách du lịch đang đến Việt Nam, như vậy sẽ có thêm nguồn ngoại tệ vào Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang được bán ở mức giá cao. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn vào mạnh. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp ổn định tỷ giá tiền đồng và vì vậy không cần phải lo lắng về diễn biến tỷ giá. Dù vậy, HSBC vẫn tin SBV vẫn tiếp tục cắt giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản trong những tháng tới.
HSBC cho rằng vẫn có dư địa để hạ lãi suất trong những tháng tới, HSBC dự báo lạm phát năm 2023 sẽ trung bình ở mức 3,4%, không quá xa so với ngưỡng 4% theo mục tiêu của SBV. SBV có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào kích thích tăng trưởng chứ không quá chú trọng kiềm chế lạm phát. Với năm 2024, HSBC dự báo lạm phát ở mức khoảng 3,3%. Như vậy nếu nhìn vào diễn biến lạm phát, hoàn toàn có lý do để cho rằng vẫn còn dư địa hạ lãi suất.
Tuy nhiên rủi ro lớn ở đây chính là diễn biến giá dầu. Nếu giá dầu tăng quá cao, đó thực sự sẽ là bài toán khó của SBV.
Ông có khuyến nghị chính sách như thế nào cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế như vừa qua?
Cứ mỗi khi kinh tế tăng trưởng chững lại, vai trò của chính sách tài khóa trở nên vô cùng quan trọng bởi chỉ riêng việc hạ lãi suất không phải lúc nào cũng phát huy tác động tích cực. Trong bối cảnh hiện tại, thực sự cần vận dụng tích cực công cụ chính sách tài khóa.
Và bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô năm sau còn nhiều thách thức, vì vậy thực sự cần phát huy hơn nữa chính sách tài khóa. Ở Việt Nam, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng công vẫn còn rất lớn.
Cơ sở hạ tầng vận tải, giao thông của Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP, chính vì vậy thực sự vẫn rất cần phát triển những mảng này. Chính vì vậy tôi tin thực sự cần tăng được chi tiêu tài khóa để tạo việc làm, tạo nhu cầu cho nền kinh tế.
Ông nhận xét ra sao về nỗ lực thu hút vốn FDI của Việt Nam trong những năm gần đây?
Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc thu hút FDI, tỷ lệ vốn FDI vào Việt Nam tính trong tổng FDI toàn cầu hiện vẫn ở ngưỡng rất cao bất chấp việc bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức. HSBC không tin rằng FDI vào Việt Nam sẽ sớm chững lại.
Việt Nam cho đến hiện tại vẫn hưởng lợi bởi chi phí lao động ở ngưỡng thấp và xu thế mở rộng thêm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Việt Nam đã phát triển được rất nhiều ngành tầm cỡ thế giới ví như ngành điện tử, tuy nhiên vẫn còn nhiều ngành khác có tiềm năng tăng trưởng ví như hóa dầu hay nhựa, dược phẩm.
Ngoài ra, dư địa để phát triển ngành chế biến nông sản cũng vẫn còn rất lớn. Việt Nam cần nghĩ đến đa dạng hóa ngành nghề thu hút đầu tư, đặc biệt những ngành mà doanh nghiệp nội địa có thể tham gia sâu rộng. Còn ví như với ngành dược phẩm, nếu thành công, Việt Nam có thể xuất khẩu dược phẩm ra nhiều thị trường toàn cầu, đó là cách mà Việt Nam có thể tính đến để tăng được FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, ví dụ như hoạt động vận tải hiện đang đương đầu với nhiều thách thức. Bởi nền kinh tế đang tăng trưởng, nhu cầu nhân lực trình độ tay nghề cao cũng rất lớn, chính vì vậy công tác đào tạo nhân lực cần phải được chú trọng nhiều hơn để có thể đón đầu được làn sóng FDI.
Còn vấn đề khác mà tôi nghĩ chính phủ cũng đã nhận ra, chính là các mục tiêu liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị gọi tắt là ESG. Việt Nam cần đến một lộ trình ESG rõ ràng bởi nhiều doanh nghiệp từ Mỹ và châu Âu đang chú trọng nhiều hơn về vấn đề phát triển bền vững, các nước xuất khẩu đối thủ của Việt Nam cũng đang tập trung vào ESG nhiều hơn, Việt Nam cần phải giải quyết tốt những vấn đề về ESG nhằm đảm bảo các nước vẫn mua hàng hóa của Việt Nam.
Gần đây, tình hình Trung Đông có những diễn biến bất thường, theo ông điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam?
Một rủi ro quan trọng với kinh tế toàn cầu chính là giá năng lượng cao trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ khác, sau khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine bùng phát vào năm ngoái, giá năng lượng lên cao nhưng sau đó rồi cũng hạ dần, năm nay, kịch bản này cũng có thể sẽ lặp lại. Giá dầu có thể sẽ tăng vào lúc ban đầu nhưng sau đó hạ dần. Tuy nhiên sẽ phải chờ thêm vài tuần nữa để có thể biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Trong tuần trước, đã có lúc giá năng lượng giảm một chút, chính vì vậy cần thêm thời gian để biết diễn biến giá dầu ra sao.
Xin cám ơn ông!