Chuyển sang nuôi con vật chỉ chăm ăn tre, nứa, nông dân một xã ở Thái Nguyên khá giả hẳn lên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 10/05/2024 12:46 PM (GMT+7)
Khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều hộ dân ở xã Nghinh Tường (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã chuyển sang mô hình nuôi dúi. Nhờ nuôi con vật chỉ ăn tre, nứa này, các hộ gia đình lại có thu nhập khấm khá hơn hẳn.
Bình luận 0

Nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nghinh Tường là xã vùng sâu nằm ở phía Bắc của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn. Những năm trước đây, đời sống của bà con trong vùng chủ yếu dựa vào rừng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nâng cao thu nhập.

Tận dụng lợi thế của địa phương, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Nông dân xã, nhiều hộ gia đình ở xã Nghinh Tường đã phát triển mô hình nuôi dúi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay có tất cả 6 hộ đang tham gia phát triển mô hình này.

Chuyển sang nuôi con vật chỉ chăm ăn tre, nứa, nông dân một xã ở Thái Nguyên khá giả hẳn lên- Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Thanh

Gia đình chị Hoàng Thị Quyên (xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào nuôi dúi từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Do dịch bùng phát nên công việc cho thuê phông bạt của gia đình gần như bị đóng băng hoàn toàn. Bởi vậy, chị quyết định chuyển hướng sang nuôi dúi để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Ban đầu, chị Quyên cũng lên mạng tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi, mua con giống từ người dân đi đào trong rừng về nuôi thử. Thật may mắn, sau một thời gian nuôi, con dúi đã bắt đầu sinh sản tốt và ổn định, từ đó chị đã nhân giống dần lên.

Chuyển sang nuôi con vật chỉ chăm ăn tre, nứa, nông dân một xã ở Thái Nguyên khá giả hẳn lên- Ảnh 2.

Mô hình nuôi dúi của gia đình chị Hoàng Thị Quyên (xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang cho thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Thanh

Theo chị Quyên, dúi là loài vật dễ nuôi, chịu nhiệt tốt và rất ít khi mắc bệnh. Tuy nhiên nếu nhiệt độ quá cao, chị Quyên sẽ xử lý bằng cách bơm nước lên mái chuồng và bật quạt thông gió để giảm nhiệt độ, tạo độ mát. Thức ăn của dúi chủ yếu là cỏ voi, ngô hạt và tre, ngoài ra có thể kết hợp thêm cơm nguội để làm thức ăn cho dúi.

Trung bình mỗi năm con dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa dúi đẻ từ 3 – 4 con. Với dúi giống, cứ sau khoảng 45 ngày là có thể bán với giá 700.000 đồng/đôi, còn dúi thương phẩm thì sau 6 tháng là bắt đầu xuất bán với giá bán trung bình khoảng 450.000 đồng/kg.

"Năm 2023, gia đình tôi có thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng từ nuôi dúi. Từ đầu năm đến nay gia đình tôi bán được một lứa dúi thương phẩm mang về thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Mới đây, tôi có mua thêm giống dúi má đào về nuôi thử, nhận thấy loài này chịu nhiệt tốt nên thời gian tới, tôi dự định sẽ gây giống thêm" - chị Quyên chia sẻ.

Còn gia đình anh Hà Đức Diện (xóm Nà Giàn, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những hộ đang phát triển mô hình nuôi dúi tại địa phương. Anh Diện cho biết, trước đây gia đình anh kinh doanh phòng hát karaoke nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên anh đã chuyển sang nuôi dúi.

Chuyển sang nuôi con vật chỉ chăm ăn tre, nứa, nông dân một xã ở Thái Nguyên khá giả hẳn lên- Ảnh 3.

Anh Hà Đức Diện (xóm Nà Giàn, xã Nghinh Tường) tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ rừng để nuôi dúi. Ảnh: Hà Thanh

"Ban đầu tôi chỉ nuôi với số lượng ít đến nay đàn dúi đã phát triển lên tới 300 con. Với số lượng dúi bố mẹ như hiện nay, trung bình mỗi năm sinh sản được khoảng 150 – 200 dúi con. So với nhiều mô hình chăn nuôi khác, nuôi dúi không mất nhiều chi phí mà hiệu quả kinh tế lại cao, vì thức ăn chủ yếu của dúi là các loại tre, mai, vầu… có thể tận dụng từ rừng" - anh Diện chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, anh Diện đang đầu tư thêm chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi dúi lên khoảng 500 con trong thời gian tới.

Khó khăn trong mở rộng quy mô nuôi dúi do nguồn vốn hạn hẹp

Bà Ma Thị Quyên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghinh Tường cho biết, được sự quan tâm của Hội Nông dân huyện Võ Nhai và các cấp ngành địa phương, Hội Nông dân xã Nghinh Tường đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Do đó, Hội Nông dân xã Nghinh Tường đã xây dựng dự án chăn nuôi dúi thương phẩm đối với các hội viên, nông dân trên địa bàn. Hiện có 6 hộ đang tham gia phát triển mô hình này với nguồn vốn vay 50 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Chuyển sang nuôi con vật chỉ chăm ăn tre, nứa, nông dân một xã ở Thái Nguyên khá giả hẳn lên- Ảnh 4.

Dúi là loài vật dễ nuôi, ít khi mắc bệnh, chi phí thức ăn thấp. Ảnh: Hà Thanh

Theo bà Quyên, mô hình nuôi dúi mang lại thu nhập cao và tương đối ổn định mà chi phí thức ăn không cao. Bởi vậy nhiều hộ đang đầu tư xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi dúi. Hiện dúi thương phẩm được các hộ xuất bán đi các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, còn dúi giống được phân phối đi các xã và huyện lân cận với đầu ra tương đối ổn định.

"Mặc dù nhiều hộ có nhu cầu mở rộng quy mô nuôi dúi tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chưa thể thực hiện. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp các hộ phát triển thêm mô hình" - bà Quyên nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Đình Đáng – Phó Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết, trên địa bàn xã Nghinh Tường chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Dao. Trong vài năm trở lại đây, được cấp trên tạo điều kiện, nhiều hộ đã đầu tư nuôi dúi thương phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, do các hộ chưa thể thành lập HTX nên đầu ra đối với con dúi giống vẫn gặp một số khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem