Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
"Click, quẹt" với ngân hàng đã có tích hợp AI
Trong bán lẻ hiện đại, kênh Omni là mô hình bán hàng đa kênh đã được ứng dụng hiệu quả để tăng doanh số và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Và bây giờ, ngành ngân hàng cũng đã chạm vào kênh Omni.
Ngân hàng Phương Đông (OCB), nơi cựu CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải vừa mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, hôm nay 15/5 cho ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI phiên bản 4.0 với phương thức bảo mật hiện đại, tích hợp AI, Open API…
Trong tài chính - ngân hàng, Open API là công nghệ cho phép các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số của khách hàng kết nối và trao đổi dữ liệu với các dịch vụ ngân hàng.
Phiên bản Omni 4.0 này sở hữu tính năng thanh toán QR 1 chạm, ứng dụng cho phép giao dịch liền mạch tại hàng ngàn điểm dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử đến du lịch, ứng dụng cũng sở hữu các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, như mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, tiền gửi, vay cùng nhiều tính năng khác.
Năm 2018, OCB đã cho ra mắt phiên bản ngân hàng số Omni đầu tiên. Phát biểu tại sự kiện hôm nay, ông Hải cho biết Việt Nam được định vị là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Trong đó, tốc độ tiếp cận thị trường nhanh chóng nhằm mang lại sự tương tác chất lượng với khách hàng là vô cùng quan trọng để các ngân hàng giành được sự ưu tiên trên thị trường.
Ông mô tả cuộc đua của ngân hàng này: "OCB OMNI phiên bản mới, với một loạt dịch vụ tài chính hiện đại, giữ vững cam kết đi vào hoạt động trong 6 tháng trong khi tiêu chuẩn ngành để phát triển và chuyển đổi sang nền tảng đa kênh đến hợp kênh toàn diện thường mất khoảng 18 tháng. Việc đẩy nhanh quá trình triển khai nền tảng và ứng dụng của chúng tôi được đánh giá là giúp tiết kiệm thời gian tới 40%".
Quá trình này được thực hiện với sự hợp tác của Backbase, một công ty công nghệ tài chính thế giới, và và SmartOSC, đơn vị triển khai giải pháp chuyển đổi số hàng đầu khu vực.
Ông Riddhi Dutta, Phó Chủ tịch Châu Á của Backbase, phát biểu tại sự kiện: "Sau khi tương tác với nhiều ngân hàng ở Việt Nam và châu Á, chúng tôi thấy nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong xây dựng các chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp. Tuy nhiên, sự quyết đoán của OCB trong việc ra mắt ngân hàng số thế hệ mới trong 6 tháng với nền tảng của Backbase đã giúp OCB vượt lên trước các ngân hàng khác".
OCB cho biết trong lần triển khai đầu tiên của ứng dụng, nhà băng này đã chuyển đổi hơn 7.000 người dùng nội bộ sang nền tảng mới và nhận được phản hồi tích cực về tốc độ và an toàn.
OCB cho biết tính đến cuối năm 2023, nền tảng Omni của họ đã tăng 61% lượng giao dịch so với năm 2022 và tăng 25 lần so với năm 2018, tỷ lệ giao dịch trên đó chiếm đến 95% tổng giao dịch, số dư tiết kiệm online tăng 55% so với năm 2022, số dư CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng 44% so với năm 2022.
Thời của chuyển đổi số ngành ngân hàng với AI
Đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số không chỉ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí mà còn nâng trải nghiệm cho khách hàng cũng như giúp nhà băng tăng doanh thu và lợi nhuận. Đây là kết quả thực tế từ thị trường.
Tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/5 vừa qua, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong năm 2023, NHNN đã đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tiền tệ - ngân hàng của NHNN. Kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành dựa trên nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung.
NHNN hiện nay đang nghiên cứu xây dựng thông tư quy định về triển khai Open API trong ngành ngân hàng để thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ mới phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...
Rất nhiều ngân hàng trong nước, từ nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đến các ngân hàng thương mại lớn, đã có mặt trong sự kiện ngày 8/5 để giới thiệu quá trình chuyển đổi số đang được cấp tốc triển khai của các nhà băng này.
Cũng do bởi tính cấp thiết của chuyển đổi số ngành ngân hàng, NHNN đã chọn “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” làm chủ đề cho sự kiện.
Trong năm 2023, "Nghiên cứu CEO toàn cầu của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM cho thấy 75% các CEO trên thế giới tin rằng các công ty được trang bị AI tạo sinh tiên tiến nhất sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh đáng kể để phát triển và dẫn đầu trong nền kinh tế số.
Trong số các ngân hàng Việt Nam, MB đang hợp tác với IBM để thử nghiệm nền tảng IBM watsonx, bao gồm watson.ai - mô hình nền tảng mới, AI tạo sinh và học máy, watsonx.data - kho dữ liệu được xây dựng trên kiến trúc mở lakehouse, watsonx.governance - bộ công cụ hỗ trợ xây dựng các quy trình làm việc AI.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI - GenAI) là công nghệ đang có tốc độ phát triển ấn tượng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới về khả năng ứng dụng trong thực tiễn. GenAI được coi là thế hệ mới của AI, cho phép người dùng nhanh chóng tạo ra nội dung mới dựa trên nhiều thông tin đầu vào khác nhau.
Tháng 11/2022, OpenAI phát hành chatbot thông minh ChatGPT-3.5. Giao diện trò chuyện này nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng thông minh có sức ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Tháng 3/2023, OpenAI tiếp tục cho ra mắt ChatGPT-4, là hệ thống chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (Large language model - LLM) có khả năng lớn nhất từng được ra mắt. ChatGPT-4 đã vượt qua nhiều bài kiểm tra được thiết kế để thử nghiệm khả năng bắt chước con người và tạo nên sự bùng nổ về số lượng người sử dụng cũng như mức độ thảo luận trên toàn cầu.
Tháng 5/2023, Google phát hành AI đàm thoại có tên Bard, dựa trên mô hình LaMDA (Language Model for Dialogue Applications). Google cũng công bố các tính năng mới được hỗ trợ bởi AI tạo sinh, bao gồm Search Generative Experience (SGE) cùng với một vài sản phẩm khác.