Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (22/11): Tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để có thể lướt sóng T+
Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 21/11, toàn sàn HoSE có 333 mã tăng giá, 92 mã đứng giá tham chiếu và 173 mã giảm giá. VN-Index tăng 6,80 điểm (+0,62%), lên 1.110,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 712,6 triệu đơn vị, giá trị 14.882,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX có 92 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 2,02 điểm (+0,89%), lên 229,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,3 triệu đơn vị, giá trị 1.927,2 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 86,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,3 triệu đơn vị, giá trị 375,2 tỷ đồng.
Tính cả 3 sàn, thanh khoản trong phiên đạt hơn 17.340 tỷ đồng.
Nhà đầu tư có thể lướt sóng T+
Phiên giao dịch chứng khoán hôm nay (22/11), Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách các đường trung bình 200 và 50 phiên trong những phiên tới. Đồng thời, thị trường vẫn có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh khi áp lực chốt lời gia tăng ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt các chỉ số chính tăng vào vùng kháng cự của các đường trung bình.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục đi ngang cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại, chưa kể thanh khoản vẫn đang ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường ở các nhịp tăng mạnh và trạng thái giằng co có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch tới.
Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và ưu tiên mua vào các cổ phiếu đang nắm giữ tại các nhịp điều chỉnh.
Chứng khoán Vietcap (VCI) thì dự báo phiên hôm nay VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định kháng cự MA10 và MA200 tại 1.111-1.115 điểm. Nhưng nếu thanh khoản tiếp tục cho thấy xu hướng sụt giảm, nhiều khả năng VN-Index sẽ đảo chiều giảm trở lại từ ngưỡng kháng cự này sau đó.
Ở kịch bản này, chỉ số đại diện sàn HoSE có thể cần kiểm định lại hỗ trợ MA20 ngày tại 1.085 điểm. Trong trường hợp hỗ trợ này bị vi phạm thì nhịp hồi phục bắt đầu tư cuối tháng 10 sẽ chính thức kết thúc.
Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì dự báo mặc dù cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ với vùng kháng cự gần đặt tại 111x nhưng xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo sẽ gây ra rủi ro đảo chiều cho chỉ số.
Vì vậy, nhà đầu tư tránh mua đuổi trong những phiên hồi phục, chỉ trải lệnh mở lại từng phần vị thế ngắn hạn quanh các vùng hỗ trợ, gần là quanh 1.065 (+-10) điểm và sâu hơn là 1.000 (+- 15) điểm.
Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn sẽ có xu hướng tích lũy, giao dịch sideway với biên độ từ 1.090 – 1.130 điểm trong ngắn hạn.
Vì vậy, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và tạm thời chưa cần hạ tỷ trọng cổ phiếu. Với diễn biến hiện tại, thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để có thể lướt sóng T+.
Những cổ phiếu đáng chú ý phiên hôm nay
Phiên giao dịch hôm nay (22/11), các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị với một số mã cổ phiếu tiêu biểu của nhóm ngân hàng, bán lẻ, bất động sản.
Cụ thể, Chứng khoán VNDirect (VND) duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội với giá mục tiêu cao hơn là 25.900 đồng/CP.
Luận điểm đầu tư: MBB hiện đang giao dịch ở mức P/B cho năm 2023 là 1,0 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong 5 năm là 1.3 lần và trung bình ngành là 1.2 lần. Ở mức định giá này, VND nhận thấy MBB là một trong những cổ phiếu có tỷ lệ rủi ro trên lợi nhuận tốt nhất trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư dài hạn đang tìm kiếm tăng trưởng chất lượng trong một thời gian dài.
Giá mục tiêu cao hơn của VND là 25.900 đồng, do VND sử dụng giá trị sổ sách trung bình năm 2023-24, với tỷ trọng bằng nhau giữa hai phương pháp định giá tương đối và định giá thu nhập thặng dư. VND sử dụng lãi suất phi rủi ro là 2,7% (lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm tính đến 30/9/2023) và phần bù rủi ro vốn cổ phần là 9,6% (theo điều ch nh từ NYU Stern).
Với phương pháp định giá tương đối, VND áp dụng P/B mục tiêu là 1,3 lần năm 2023. MBB đã liên tục có ROE cao hơn so với các NH khác và MBB xứng đáng được định giá ở mức 1,3 lần, là mức định giá trung bình trong 5 năm gần đây của NH.
Rủi ro tăng giá bao gồm: (1) tăng trưởng cho vay tốt hơn kỳ vọng, (2) NIM cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá là nợ xấu tăng cao hơn so với dự kiến.
Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng dành khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW của Công ty CP Thế giới số.
Luận điểm đầu tư: DGW đã chứng minh năng lực bảo vệ lợi nhuận 9 tháng năm 2023 vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành và kỳ vọng biên lợi nhuận hoạt động năm 2024 (2,7%) phục hồi trên nền thấp năm 2023 (2,1%) nhờ: (1) nhu cầu phục hồi và (2) kỳ vọng tăng trưởng đến từ các nhãn hàng và tập khách hàng mới. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ chiến lược M&A, giúp DGW mở rộng quy mô ngành hàng và kênh phân phối (CAGR doanh thu trên 20% cho giai đoạn 2022-2025).
BSC điều chỉnh kỳ vọng kết quả kinh doanh, dựa trên chiến lược bảo vệ doanh thu và cân đối biên lợi nhuận của DGW: Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 lần lượt đạt 19.685 tỷ đồng (giảm 11% so với năm trước) và 412 tỷ đồng (giảm 40%), tương ứng với điều chỉnh tăng 5,5% và giảm 3% so với kỳ vọng trước đó.
Năm 2024, BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - lợi ích cổ đông thiểu số của DGW lần lượt đạt 22.747 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước) và 611 tỷ đồng (tăng trưởng 48%), tương ứng điều chỉnh tăng 12% và tăng 14% so với kỳ vọng trước đó, EPS FW= 3.656 đồng, PE fw =14 lần – thấp hơn lịch sử là 14,4 lần và trung bình các DN trong ngành là 34 lần.
BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 2024 là 60.400 đồng/CP (Upside +18% so với giá đóng cửa ngày 20/11/2023), Dựa trên Phương pháp định giá DCF. Nhằm phản ánh khả năng (1) bảo vệ lợi nhuận và (2) cơ hội tăng trưởng từ các mảng kinh doanh mới M&A.
Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (21/11): Kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 18%, cổ phiếu HDB được khuyến nghị mua
21/11/2023 06:30Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (20/11): VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm
20/11/2023 06:30Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (17/11): Nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền như phân đạm, chứng khoán, xây dựng được quan tâm
17/11/2023 06:30