Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Có tài sản 43 tỷ USD, người giàu nhất Nhật Bản - ông chủ Uniqlo, đang quan tâm điều gì?
Những doanh nhân vĩ đại nhất thế giới nhìn chung đều có phong cách mặc đồ hàng ngày tương đối giống nhau. Từ tỷ phú Steve Jobs với chiếc áo phông đen thường thấy của ông cho đến tỷ phú Marc Zuckerberg với chiếc áo phông Brunello Cucinelli, nhiều những đầu óc siêu việt về kinh doanh hàng đầu thế giới thường mặc đồ giống nhau để không mất thời gian suy nghĩ.
Chính vì vậy không ngạc nhiên khi mà người giàu nhất nước Nhật, nhà sáng lập kiêm CEO của "đế chế" quần áo Uniqlo nổi tiếng khắp thế giới, chủ yếu chỉ mặc một vài chiếc áo cùng dòng, đó là chiếc áo chui cổ màu xanh đậm hiệu Merino và chiếc áo khoác +J màu xanh của Uniqlo.
Việc tỷ phú Yanai ăn mặc giản dị như vậy dường như khá trái ngược với việc ông là người tỷ phú làm nên một trong những hãng kinh doanh quần áo thành công nhất thế giới. Trong cuộc sống đời thường, tỷ phú người Nhật này đề cao nguyên tắc cái đẹp thực dụng, và quan điểm đơn giản sẽ đẹp hơn. Cũng chính triết lý này đã làm nên thành công cho doanh nghiệp mà ông sáng lập ra.
Nếu nhìn vào đám đông người ở nơi công cộng, sẽ rất khó để nhận ra thiết kế nào của Uniqlo, tuy nhiên đó lại chính là sức hấp dẫn của đồ Uniqlo. Quần áo Uniqlo mang đến vẻ thanh lịch, bền vững với thời gian, chất lượng vải cao, người ta có thể mặc đồ Uniqlo năm này qua năm khác, quần áo Uniqlo không bao giờ lỗi mốt so với các loại quần khác trong tủ quần áo của người dùng.
Đối với ông Yanai, sự đam mê đối với các loại quần áo đã hình thành từ khi còn là một đứa trẻ sống trong cửa hàng quần áo của bố mẹ trong thị trấn nhỏ Ube, tỉnh Yamanashi, Nhật bản. Tuy nhiên, ban đầu ông không hề muốn theo công việc của gia đình. Suốt nhiều năm, việc tham gia vào việc kinh doanh của gia đình hoặc theo đuổi sự nghiệp trong ngành thời trang không hề có trong suy nghĩ của ông.
Sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân ngành kinh tế và khoa học chính trị tại đại học Waseda vào năm 1971, dành vài năm làm việc cho chuỗi siêu thị lớn của Nhật cũng như du lịch nhiều nước trên thế giới, cuối cùng ông cũng trở về cửa hàng của gia đình, lúc này đã có tên Ogori Shoji.
Những năm đầu tiên quản lý cửa hàng đã mang lại cho ông Yanai nhiều kinh nghiệm, sau này ông từng gọi đó là "khóa học ngắn về kinh doanh".
"Tôi phải học dọn dẹp cửa hàng, chải áo khoác và phân loại quần áo… tôi phải làm tất cả mọi việc bởi chẳng có ai giúp đỡ cả. Thực sự đó là cơ hội học tập rất lớn. Tôi tin rằng nhà sáng lập của một doanh nghiệp sẽ chẳng bao giờ thực sự nghỉ ngơi cả", ông Tadashi Yanai nói.
Năm 1984, ông Yanai đã trở thành CEO doanh nghiệp kinh doanh đồ may mặc của gia đình. Ông có nhiều ý tưởng lớn, và thậm chí ôm tham vọng chinh phục ngành thời trang thế giới. Ông thành lập chi nhánh đầu tiên của công ty quần áo có tên Unique Clothing Warehouse (sau này đổi tên thành Uniqlo) tại Hiroshima.
Được truyền cảm hứng bởi nhiều thương hiệu thời trang châu Âu và Mỹ ví như Benetton, Gap và Esprit mà ông từng tìm hiểu trong các chuyến du lịch của mình. Ông cố gắng xây dựng mô hình thời trang phục vụ cho số đông sử dụng thường ngày theo phong cách toàn cầu tại Nhật.
Năm 1991, ông đổi tên công ty từ Ogori Shoji sang thương hiệu toàn cầu Fast Retailing, với ý nghĩa thời trang nhanh, giống như kiểu đồ ăn nhanh.
Đến năm 1998, Uniqlo đã có hơn 300 cửa hàng khắp nước Nhật, sản phẩm áo khoác lông cừu nổi tiếng đã bán được hơn 2 triệu chiếc chỉ trong vòng 12 tháng. Hoạt động kinh doanh của Uniqlo phát triển bùng nổ, Uniqlo không ngừng đạt được nhiều mục tiêu lợi nhuận mới, và ngày một nổi tiếng trên khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên, dù nổi tiếng như vậy, cũng đã có những lúc sản phẩm của thương hiệu này bị chê là rẻ tiền, thứ cấp. Quyết tâm thay đổi mọi chuyện, ông Yanai đã đề ra quyết tâm cải tổ hình ảnh của Uniqlo.
Năm 2004, Uniqlo ra tuyên bố về chất lượng toàn cầu, đó là cam kết ngừng sản xuất hàng hóa giá rẻ, chất lượng vải thấp. Ở thời điểm đó, ông Yanai tuyên bố: "Tôi muốn được đánh giá cao vì cung cấp hàng hóa có chất lượng. Việc được biết đến trong vai trò bán hàng hóa giá rẻ thật đáng buồn".
Mục tiêu đổi mới sáng tạo được đặt lên hàng đầu trong văn hóa nội bộ của Uniqlo. Vải len cashmere được đưa vào làm chất liệu sản xuất một số loại quần áo, ngoài ra, Uniqlo cũng sáng tạo ra loại vải giữ nhiệt có tên HeatTech.
Mỗi năm, sản phẩm lại cải thiện hơn. Năm 2005, Fast Retailing chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn, ông Yanai vẫn giữ vị trí CEO.
Giờ đây, nhà sáng lập của Uniqlo đã thành công với mục tiêu đưa Uniqlo trở thành thương hiệu châu Á có tầm cỡ toàn cầu với khoảng 3.620 cửa hàng tại 22 quốc gia. Fast Retailing với nhiều thương hiệu mới như Theory, Helmut Lang, và J Brand nhiều khả năng sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" với Zara và H&M trong vài năm tới.
"Để thành công trong môi trường hiện tại, bạn phải chấp nhận sai sót, thất bại, học từ đó và tiếp tục bước đi", ông Tadashi Yanai phân tích.
Uniqlo và nhà sáng lập đã nhiều lần được thế giới vinh danh. Năm 2014, Uniqlo được bình chọn nhà bán lẻ của năm bởi Hội đồng Bán lẻ Thế giới. Năm 2013, ông Tadashi Yanai được chọn là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2017, ông cũng được tạp chí Forbes lựa chọn vào nhóm 100 doanh nhân vĩ đại nhất.
Dù rằng ông đã nói đến việc nghỉ hưu khoảng một thập kỷ nay, ông Yanai dường như chưa có dấu hiệu giảm tần suất làm việc. "Tôi tin rằng nhà sáng lập của một doanh nghiệp không nên có lúc nào đó thực sự nghỉ hưu, và sự quan tâm của tôi với kinh doanh dường như chưa bao giờ giảm sút", ông nhấn mạnh trong tuyên bố vào tháng 3/2023.
"Tôi đã từng nói rằng công việc quan trọng của tôi chính là đào tạo cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Người kế vị tôi nên là phụ nữ bởi họ thận trọng, chú ý đến chi tiết và có khướu thẩm mỹ", ông Yanai nói.
Với tài sản hiện ước tính 43 tỷ USD, ông Yanai cho biết ông thực sự không quan tâm đến tiền. Trả lời phỏng vấn Financial Times, có lần ông từng nói: "Tôi cho rằng tôi chỉ là người bình thường".
"Tôi cũng chẳng có gì đặc biệt. Tôi không nghĩ tôi quá giỏi nên mới tạo ra được ngần ấy tiền. Nhiều năm nay tôi ưu tiên việc luôn công bằng và làm những việc tốt cho xã hội", ông Yanai cho biết.
Ông cũng không thực sự hài lòng về thành công của mình.
"Tôi có vẻ nhìn thành công, thế nhưng bản thân tôi cũng mắc nhiều lỗi lầm. Nhiều người day dứt quá lâu khi họ mắc sai lầm, đó cũng là điều bình thường của cuộc sống", ông Yanai nói với Monocple.
Trong nhiều thập kỷ tham gia vào ngành thời trang, doanh nhân lão làng này thực sự học được rằng hơn ai hết, các doanh nghiệp cần phải có khả năng thích nghi cao, họ cần phải hiểu được những yếu tố bất thường của ngành thời trang, mà còn cả xã hội đang tiến hóa.
Tuy nhiên, rất ít người đã sẵn sàng chuẩn bị cho những tác động từ đại dịch COVID-19 khi nó xảy ra trên quy mô toàn cầu vào tháng 3/2023. Kết quả, ngành thời trang đón nhận cú sốc, chỉ trong vài tuần, nhiều hãng bán lẻ liên tục hủy đơn, đóng cửa nhà máy và ngừng sản xuất.
Khi mà nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào vòng xoáy tài chính suy giảm tồi tệ nhất tính từ Đại Suy thoái, rất ít người tiêu dùng giờ đây dám chi tiền vào các sản phẩm thời trang. Cũng giống như toàn ngành, Uniqlo đương đầu với cú sốc khi mà họ đã phải đóng đến một nửa trong tổng số 748 cửa hàng tại Trung Quốc, sau khi quy định phong tỏa được áp dụng vào tháng 1/2020, và ước tính đến tháng 5/2023 phải dừng hoạt động khoảng 40% cửa hàng tại Nhật.
Quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng của ông Yanai đã giúp cho doanh nghiệp của ông vượt qua nhiều thách thức, nhiều đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, thất bại ban đầu khi mở cửa hàng ở nước ngoài và đại dịch vừa qua.
Mỗi lần khó khăn, thay vì chấp nhận thất bại, ông chấp nhận bình tĩnh ngồi nhìn nhận lại mọi việc và sẵn sàng tìm kiếm giải pháp, đồng thời cũng luôn sẵn sàng bước sang chương tiếp theo.
Lợi nhuận của Uniqlo những quý gần đây liên tục duy trì ở ngưỡng cao, trong quý gần nhất, Uniqlo có lợi nhuận ước tính 85 tỷ yên. Tính trong ba quý của năm tài khóa, Uniqlo đã đạt lợi nhuận ước tính hơn gần 240 tỷ yên.
Giờ đây khi đại dịch COVID đã được kiểm soát, thế giới dần quen với trạng thái bình thường mới. Trong thông điệp CEO tháng 5/2023, ông Tadashi Yanai tuyên bố: "Năm 2023 là năm tích cực áp dụng các chiến lược để trở thành thương hiệu toàn cầu tốt nhất. Chúng tôi quyết tâm trở thành hạ tầng quần áo, cái mà con người ta cần để đảm bảo cho cuộc sống thường ngày.
Uniqlo đồng thời theo đuổi mục tiêu cao nhất là trở thành thương hiệu thời trang được người tiêu dùng trên thế giới yêu thích nhất".
Nói về các mục tiêu tài chính năm 2023, ông Yanai chia sẻ Uniqlo đặt mục tiêu có doanh thu 2,68 nghìn tỷ yên, doanh thu trong khu vực đạt ước tính 3 nghìn tỷ yên trong năm 2024 và tương lai sẽ nhắm đến doanh thu 10 nghìn tỷ yên.
Ông khẳng định Uniqlo tự tin đạt được mục tiêu này bởi nếu nhìn vào lịch sử 20 năm qua, doanh thu bán hàng cứ mỗi 10 năm lại tăng gấp 3 lần.
Uniqlo ồ ạt mở cửa hàng mới
05/08/2023 08:00Uniqlo liên tục mở rộng, 1 tháng khai trương 2 cửa hàng, cuối năm mở tiếp ở Bình Dương
24/07/2023 15:03Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vượt 37 tỷ USD, cao hơn cả CEO Tencent và ông chủ Uniqlo
17/08/2023 12:40