Con gà trong đời sống, văn thơ dân gian
Con gà trong biểu tượng năm Dậu còn có nghĩa là hạnh phúc ấm no: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”. Tranh gà trống hùng dũng và tranh gà mái với đàn con khỏe mạnh, xinh xắn gợi nên cảnh vui vẻ no đủ. Về một miền quê nào đó, xa chợ búa, con gà thay chủ nhân bày tỏ lòng mến khách. Con gà chịu sự phân công của con người: gà nuôi lấy thịt, gà nuôi lấy trứng. Phân gà cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Thôi thì đủ các loại gà: Rốt, Ri, Lơ-go, Đông Cảo. gà Ta, gà Tây... Các kiểu chế biến món ăn bằng thịt gà cũng đa dạng: nấu, luộc, nướng, tái chanh, gà xé phay, cho đến gần đây, chân gà nướng và luộc cũng trở thành món nhậu hấp dẫn của công chúng. Còn trong các kỳ cúng giỗ, gà cũng là món chủ đạo. Chú gà trống hoa vẫn thường chễm chệ trên mâm cỗ tất niên. Đó là chưa nói đến món gà tần thuốc bắc để bồi dưỡng cho những cơ thể suy nhược và cho phụ nữ sau kỳ mãn nguyệt khai hoa.
Thời xưa ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác, người ta đoán thời khắc bằng một cái đồng hồ. Cái đồng hồ ở đây chỉ là một cái bình đựng đầy nước, dưới đáy châm lỗ cho nước ri rỉ nhỏ giọt xuống một cái chậu có kẻ vạch chia giờ khắc hứng ở phía dưới. Chỉ có nhà giàu hay những kẻ ưa cầu kỳ mới dùng kiểu này còn phần đông dân quê chỉ đoán giờ giấc qua tiếng gà gáy: “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”, mỗi loài có một nhiệm vụ riêng. Gà thường chỉ gáy từ nửa đêm về sáng. Người ta có thể nhớ giấc để thức dậy giã gạo:
Trả ơn cái cối cái chày
Nửa đêm gà gáy có mày có tao.
Hoặc để biết là trời đã sáng:
Sao Hôm lóng lánh
Sao Mai lóng lánh
Cuốc đã sang canh
Gà kia gáy rúc
Chích chòe lìa tổ,
Trời đã rạng đông
Hay:
Vừa đắp chiếu lại thì gà gáy canh,
Buồn về một nỗi tháng năm,
Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu.
Hoặc để biết sự liên hệ giữa giờ giấc và thời tiết: “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”. Còn cái cảnh chồng vừa mới trốn vợ cả lẻn xuống nhà dưới với vợ hai thì gà lại gáy dồn, hỏi thế thì làm sao bà không căm phẫn:
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống gà o o gáy dồn.
Cha mẹ con gà kia sao mày vội gáy dồn
Mày làm cho tao mất vía khinh hồn về nỗi chồng con.
Trong Kinh thi có thiên mang tên kê minh (gà gáy) nói về phong tục nước Tề: kê minh húc đán, đại ý nói người vợ hiền nghe tiếng gà gáy dồn khuyên chồng trở dậy, do đó có câu thơ cổ: “Kê minh thuộc lấy làm lòng”.
Ngoài việc nghe gà để trở dậy lo việc nông trang, nhà nho lại nghe gáy để lo việc tu dưỡng tính tình, gà còn để cúng lễ tại các tư gia:
Chập chập thôi lại cheng cheng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Ở chốn đình trung người dân thường có lệ ngày sóc hoặc ngày vong cắt lượt nhau biện mâm xôi con gà mang ra đình lễ. Một con gà luộc nằm xuôi hai đùi, cổ ngắc, miệng ngậm một nhánh hoa hồng thì đúng là một bức tranh đẹp.
Ở bên Tàu có lễ gia kê, tức là con gái từ 15- 20 tuổi hứa gả chồng thì làm lễ gia kê, hay nôm na gọi là lễ giắt trâm. Còn ở ta người con trai trước khi cưới vợ cũng phải kiếm xôi gà đi sêu, đi tết bố mẹ vợ:
Anh về thưa mẹ cùng cha
Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu.
Mẹ sinh con trai làm chi
Đầu gà má lợn đem đi cho người
Mẹ sinh con gái như tôi
- Đầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn
Đồ ta ta vỗ ta chơi
Hễ ai động đến mâm xôi con gà.
Có khi còn nói đùa là gà dùng để khao quân, cốt chế giễu những viên tướng nhút nhát, bất tài mà lại ham danh hảo:
... Đánh giặc thì chạy trước tiên
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ, vội chạy về nhà
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.
Sêu tết, lễ thần thánh đều dùng gà chứ không ai dùng vịt. Tết ăn gà chứ không ai ăn vịt vì sợ giông và có người còn kiêng ăn thịt vịt khi đi đánh bạc sợ hãm tài. Thịt gà thơm ngon thế mà ăn lại cam. Những đứa trẻ bị kiềm răng, những người bị bệnh phong đều cử ăn thịt gà, cá chép, ba ba là những thứ độc ăn vào bệnh sẽ tăng. Nhiều người bị sâu răng nhưng thèm quá không biết làm sao, về sau có người mách là lá dâu (tằm ăn) trị sâu răng rất hữu hiệu, ăn thịt gà với lá dâu thì lá dâu có thể hóa giải được chất cam trong thịt gà. Về sau người ta mới đặt thành vè cho dễ nhớ:
Thịt gà ăn lắm răng sâu
Khi ăn phải nhớ “lá dâu thịt gà”
Muốn cho thịt gà ăn mềm có người thả gà dưới gốc cây đu đủ hoặc trong nồi canh gà nhỏ mấy giọt nhựa vào hay lấy luôn trái đu đủ nấu gà. Ngay cái chuyện chặt thịt gà cũng được đặt lên hàng nghệ thuật. Cứ đọc phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố thì rõ. Anh mõ có nhiệm vụ chặt thịt một con gà bé bằng nắm tay ra hàng trăm phần to hay nhỏ, đầu, cánh, đùi, mình... anh đều nhập tâm cả rồi. Mỗi nhát dao hạ xuống là một miếng gà đứt thẳng gọn, không nhúc nhích hay bắn ra khỏi thớt, da thịt bám sát nhau chứ không trợt hụt hay hay lấn sang phần khác, thật đúng như ý anh muốn. Phần nào ra phần nấy, đâu có đó, không thừa cũng không thiếu. Đó là tên mõ lành nghề và có lương tâm. Có nhiều tên láu cá khi biết mình chẳng sơ múi gì thì nghĩ ra ké cầm dao chặt thật mạnh cố ý để cho thịt bắn xuống đất nhiều. Thịt gà rơi xuống đất thì bỏ đi chứ ai lại hỗn hào dọn cho các cụ ăn bao giờ. Thế là mõ ta nhặt lấy bỏ vào rá của mình mang về rửa lại nước nóng nhậu chơi.
Bây giờ ăn thịt gà người ta thường ăn với củ hành sống, chanh vắt vào muối tiêu hoặc muối ớt... Ở nhà quê xưa chỉ ăn với lá chanh, bởi thế nên có câu:
- Cùi dừa kẽo kẹt bánh đa,
Cái đĩa thịt gà kẽo kẹt lá chanh.
- Hứng chuyện non
Thấy bà có cỗ ẵm con cho bà.
Hứng chuyện già
Thấy xé thịt gà đi hái lá chanh.
Thịt gà thơm, lá chanh thơm, mỗi thứ có cái hương vị riêng. Nhưng cái thơm của thịt gà hòa hợp với cái thơm của lá chanh thành một mùi thơm đặc biệt gây cho ta nhiều khoái cảm. Và có lẽ vì thế mà nảy sinh giai thoại “con gà cục tác lá chanh...” sau đây:
Xưa có nhà phú hộ có đàn trâu đi lạc phải nhờ láng giềng tìm mãi mới được. Vợ chồng bàn nhau định ngày mai thịt một con gà, một con lợn và một con chó để đãi họ. Đêm ông tổ về báo mộng: “Tao nghe chúng mày mai giết những ba con vật. Tao sợ chúng mày làm điều thất đức, vậy phải báo cho chúng mày rõ là khi làm thịt phải hóa kiếp cho chúng, có thế trong nhà mới yên”.
Vì vậy, hễ làm thịt gà thì phải hái lá chanh, thịt lợn phải thái củ hành, thịt chó phải giã củ riềng mà cho thêm vào thì hồn các con ấy mới hóa kiếp được. Khi tổ nói gà, lợn, chó ba con đều nghe thấy biết mình không sao thoát chết, cũng đành vậy. Nhưng ba con chỉ sợ chủ nhà quên các thứ gia vị thêm vào thịt cho mau hóa kiếp nên lúc mới sáng tinh sương ba con ùa nhhau đều kêu ầm lên:
Con gà cục tác “lá chanh”
Con lợn ủn ỉn “mua hành cho tôi”
Con chó khóc đứng khóc ngồi:
“Mẹ ơi, mẹ hỡi mua tôi đồng riềng!”
Chuyện xưa thịt gà lá chanh thì như thế, chuyện “gần xưa” có giai thoại như sau:
Dưới thời thực dân Pháp ở các phủ huyện đường có một số lính cơ, lính lệ coi việc gác công đường và chạy cộng văn, tống đạt án trát đi bắt rươu lậu, bắt phu tạp dịch, đốc xuất thuế má... v.v... Chúng có cáí oai là đi đến đâu gà chết đến đó. Đến nhà nào là khổ chủ phải lo biện cơm rượu, mà tính các chú thích có thịt gà. Điều đáng chú ý là khi khổ chủ triệt mâm thì một trăm lần như một, mọi thứ đều hết sách sành sanh nhưng lại thấy sót lại vài cuống lá chanh ở vành mâm, mặc dù khổ chủ không hề bao giờ “dâng” lá chanh cả. Sau mới vỡ lẽ là các chú mỗi khi đi “công vụ” bao giờ cũng ngắt dăm ngọn lá chanh bỏ túi sẵn. Vì ăn thịt gà mà thiếu lá chanh các chú ấy thấy thiếu thiếu như lính cơ mà không có xà cạp trắng vậy. Do đó dân quê đã có câu ca dao truyền tụng:
Hay gì khố đỏ, khố xanh
Sao bằng đăng lính lá chanh thịt gà.