Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Da mặt "nổi loạn" vì dùng thuốc corticoid chữa mụn
Mụn gây lão hóa trước 2 năm
Anh Đ.X.H (28 tuổi, Bình Định) đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám mụn mủ xen lẫn mụn đầu đen. Vùng da nổi mụn viêm tấy, nổi sần, sưng phù, lan từ vùng trán, đuôi mắt, hai bên má xuống cổ. Anh H. cho biết có bôi kem trị mụn nhưng không bớt, ngược lại sưng lên, sau đó mặt thâm sạm, sẹo rỗ.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích rọi đèn led kiểm tra và nhận thấy da nhờn, viêm tấy, bong vảy, lỗ chân lông viêm, tắc nghẽn… Người bệnh tiếp tục được soi da với thiết bị gắn camera có độ phân giải cao để đánh giá tình trạng mụn khu vực chữ T, chữ U.
Trong 5 phút, máy soi da phác thảo đường nét khuôn mặt người bệnh bằng ảnh 3D, với chi tiết tình trạng lỗ chân lông, nếp nhăn, độ ẩm, độ đàn hồi, cấu trúc loại mụn và phân tích các tầng sâu dưới da. Kết quả ghi nhận anh H. lão hóa hơn 2 tuổi so với tuổi thực, lỗ chân lông rộng hơn bình thường, với kích thước trung bình khoảng 0,43mm, khu vực chữ U có nhiều dầu do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.
Mặt khác, kết quả xét nghiệm cho thấy da mặt người bệnh nhiễm vi khuẩn Propionibacterium acnes, dẫn đến chi chít mụn mủ, sẹo rỗ. Các vị trí viêm tấy do biến chứng tự bôi thuốc corticoid, càng bít kín các ống dẫn của tuyến bã nhờn khiến mụn trứng cá sưng lên.
Bệnh nhân được kê thuốc bôi kháng sinh giúp giảm sưng, viêm, ngưng thuốc corticoid. Bác sĩ hướng dẫn anh H. chăm sóc da mụn đúng cách. Sau khi hết mụn, người bệnh được soi da lần nữa để có phác đồ điều trị thâm, sẹo mụn phù hợp.
Bác sĩ Bích cho biết người bệnh phải trải qua ít nhất 10 – 12 tuần điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi và các sản phẩm chăm sóc da mặt (sữa rửa mặt, nước toner – nước cân bằng da…). Đến khi hết mụn, người bệnh mới được điều trị các liệu pháp phục hồi da mặt.
Cẩn thận corticoid bùng phát mụn
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết hơn 80% dân số thế giới bị mụn trứng cá (trứng cá đỏ, đầu đen, đầu trắng, mụn ẩn, mụn bọc, mụn cám, mụn mủ), chủ yếu dưới 30 tuổi.
Có nhiều yếu tố gây ra mụn như: yếu tố gia đình, thay đổi nội tiết tố (dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai), dùng mỹ phẩm và thuốc chứa corticoid; ăn uống nhiều đường, dầu mỡ, hút thuốc lá, mắc một số bệnh ảnh hưởng đến quá trình tiết bã nhờn như viêm da tiết bã, viêm nang lông…
Theo bác sĩ Bích, 20% – 30% người bệnh cần điều trị bằng các liệu pháp y học. Hiện có nhiều phương pháp hỗ trợ và phối hợp cùng nhau để điều trị mụn, từ việc bôi thuốc, uống thuốc, laser, IPL, điện di, lăn kim… Để chọn được các phương pháp trị mụn thích hợp cần phân tích da (soi da) để bác sĩ thấy được tổng thể tình trạng tổn thương, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh không tự ý dùng mỹ phẩm, không đắp mặt nạ dưỡng da, không bôi sản phẩm không rõ thành phần, đặc biệt có chứa corticoid làm teo da, giãn mạch, phù mặt, sần sùi, nổi nhiều mụn, tạo sẹo lồi, sẹo lõm…
Việc điều trị bằng corticoid cần được bác sĩ theo dõi kỹ. Bởi thời gian đầu dùng thuốc bôi corticoid, da mịn màng, giảm mụn nhưng nếu lạm dụng, vài tháng sau, da mỏng đi, hệ miễn dịch bị ức chế, mụn bùng phát dữ dội, nhiễm khuẩn, gây ngứa. Nếu người bệnh gãi thì da sẽ bị viêm, sưng tấy, mưng mủ trở lại.
Lạm dụng corticoid lâu dài khiến lệ thuộc thuốc (nghiện thuốc) và chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc như: phát ban mụn trứng cá, mụn mủ, mụn viêm, loãng xương, suy thượng thận, loét dạ dày tá tràng…
Để giảm mụn, mỗi ngày rửa mặt bằng nước sạch từ 2-3 lần nhưng không chà mạnh. Với da nhờn, người bệnh có thể dùng sữa rửa mặt kiểm soát nhờn theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh không sờ tay lên mặt, không tự nặn mụn, nhất là vùng mặt hình chữ T gần các xoang hàm mặt và xoang sọ não.
Nhiễm trùng ở vùng này có thể gây sưng mặt, viêm xoang hang; nặng hơn viêm sẽ lan vào trong hộp sọ và gây viêm màng não. Cần hạn chế dùng thực phẩm ngọt, béo, thức uống có cồn, cafein… Thay vào đó, hãy tăng cường vận động, ăn nhiều rau xanh, thực phẩm có nhiều chất xơ, ăn trái cây có nhiều chất chống oxy hóa, uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.