Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đại biểu Quốc hội: Dân cần tiền cầm sổ đỏ vay ngân hàng 300 triệu, phải mua bảo hiểm 20 triệu
Trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều 15/1 về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) và Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đều nêu hệ quả của việc cho phép ngân hàng bán bảo hiểm và lợi nhuận lớn đằng sau.
Bán chéo bảo hiểm đẩy ngân hàng vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận
Tại Hội trường Quốc hội chiều 15/1, Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chia sẻ câu chuyện khiến ông thôi thúc đưa ra ý kiến liên quan đến quy định ngân hàng ồ ạt bán bảo hiểm.
"Câu chuyện về phụ nữ có khoản nợ phải trả, phải đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ, phải đến ngân hàng vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm 20 triệu đồng. Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc, câu chuyện tình cờ tôi gặp ở một thương hàng thương mại, thôi thúc tôi đề cập vấn đề này", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, mức chiết khấu tối đa công ty bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm là ngân hàng với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là 4% cho năm đầu. Bên cạnh đó, việc tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp.
Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm mà khách hàng bỏ năm đầu tiên lên đến 2.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay.
"Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng", ông Thịnh nói.
Theo Đại biểu Bắc GIang, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại.
Ví dụ như năm 2020, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.000 tỷ đồng, phí trả trước cho hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đạt hơn 9.200 tỷ đồng; việc ACB có lợi nhuận 9.596 tỷ đồng, phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng… chưa tính số hoa hồng đại lý được hưởng
Phạm Văn Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Ông Thịnh nêu chi tiết, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Theo ông Thịnh, giai đoạn năm 2018 -2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm đã chiếm rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng.
Ngân hàng làm khó nhân viên, giảm thu nhập nếu không bán được bảo hiểm
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.
"Việc bán chéo bảo hiểm, đã khiến ngân hàng, công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận", Đại biểu Thịnh nói.
Ông Thịnh đề nghị nên giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Cũng liên quan đến tình trạng Ngân hàng liên kết bán bảo hiểm, Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Cần quy định không cho phép ngân hàng bán bảo hiểm bởi hiện nay hệ quả đã xảy ra rồi, đang còn dai dẳng giữa khách hàng và ngân hàng, công ty bảo hiểm.
Theo ông Hoà, việc công ty bảo hiểm lập trụ sở, chi nhanh thì phải có địa chỉ nhưng hiện trạng hiện nay là hầu hết hợp tác, liên kết với ngân hàng.
"Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, có trường hợp dân mua bảo hiểm có khiếu nại nhưng được ngân hàng chỉ sang các tỉnh khác, rất khó khăn", ông Hoà nói
Ông Hoà cho rằng, khi kết hợp ngân hàng bán bảo hiểm, ngân hàng được chi hoa hồng cao, hoa hồng cao như vậy công ty bảo hiểm thu tiền của khách hàng sau đó trả lại bảo hiểm thu lợi sẽ thế nào.
"Đối với ngân hàng khi có lợi nhuận cao vậy, buộc nhân viên ngân hàng vận động khách hành mua cho được bảo hiểm, làm khó khăn cho nhân viên, thậm chí giảm lương", Đại biểu Hoà nêu vấn đề.
Đại biểu nhấn mạnh việc quy định các công ty bảo hiểm cần có cơ sở riêng, chi nhánh, đại lý tách biệt khỏi ngân hàng, không nên cho phép ngân hàng bán liên kết bảo hiểm.