Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải vì sao doanh nghiệp, người dân ngại đầu tư nuôi trồng thủy sản?
Chiều 22/11, Bộ NNPTNT phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương ven biển tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững".
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, Việt Nam hiện có 83 cảng cá, 76 khu neo đậu, 7.500 cơ sở nuôi biển, tạo viện làm cho trên 4 triệu người, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp; kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, năm 2022 đạt 11 tỷ USD.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, theo ông Luân, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái...
Theo ông Luân, một trong những nguyên nhân là do mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi, đầu tư hạ tầng còn hạn chế, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy hoạch vùng ven biển, không gian biển.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, theo ông Luân phải cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân.
Ông Luân cho biết, phải "tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế" để người dân có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản. "Tại một số làng cá ở Quảng Ninh, Kiên Giang có một số mô hình rất thành công nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch", ông nói và cho biết, Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển, đơn cử như rong sụn, "vừa qua, có một doanh nghiệp trong nước phải nhập hàng triệu tấn từ Indonesia. Trong khi chúng ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề này nhưng chưa trồng được".
Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc. Vì vậy, ông Luân cho rằng các địa phương phải cần quan tâm nhiều hơn nữa.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng để ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững thì phải "xem mình đang đứng ở đâu". Thủy sản là ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc điểm của thủy sản là kinh tế hàng hóa, phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, đó là thị trường và môi trường.
"Sau 35 năm đổi mới ngành thủy sản tăng trưởng liên tục, khá ổn định, tuy nhiên, tác động của sự tăng trưởng đó vào đời sống của người lao động nghề cá rất thấp", ông Hồi nói.
Việt Nam xuất phát từ nghề cá nhỏ, manh mún và đã tiến lên trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay chính sách vẫn còn "nhiều bất cập". Ông Hồi lấy ví dụ từ Nghị định 67, "từ ngư dân lái thuyền thúng được vay đóng tàu to theo quy định nhưng lại không quen lái tàu to, định vị vệ tinh là gì?. Đây là một bài học...".
Theo ông Hồi, về thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc. "Chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể", ông nói.
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được thẻ vàng của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ NNPTNT mà cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương. "Việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt, còn mục tiêu lâu dài là bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, vì thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta phải tái trúc lại ngành hàng, đưa ngư dân vào hoạt động theo một quỹ đạo thống nhất", ông nói.
Ông Hoan cho biết thêm: "Trước đây, khi Bộ NNPTNT đưa ra chủ trương phát triển nuôi biển với mục đích giảm khai thác, tăng nuôi trồng, rất nhiều địa phương háo hức mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ở các vùng biển mà chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng ưu tiên đầu tiên là lực lượng ngư dân mà mình muốn chuyển đổi họ sang nghề khác. Muốn người dân chủ động chuyển đổi ngành nghề để giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân tự giác, nhận thức đầy đủ được việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa, trong khi sinh kế, cuộc sống vẫn được đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới có thể thành công".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, thời gian qua, tại nhiều địa phương các doanh nghiệp, người dân ngại đầu tư nuôi biển vì lo sợ những nơi đầu tư sẽ rơi vào khu vực quy hoạch, bị thu hồi để làm resort, khu phức hợp... Do đó, ông mong muốn các tỉnh ven biển sớm hoàn thiện các quy hoạch, đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân ở những vùng phải chuyển đổi
Ông Hoan cho hay, năm 2024, ít nhất củng cố lại Chi hội nghề cá, từ đó tạo không gian để ngư dân sinh hoạt, chia sẻ tâm tư, đồng thời thiết lập lại cộng đồng đồng quản lý đã ban hành.
Thông qua tọa đàm, Bộ trưởng Hoan cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội của các địa phương ven biển tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngư dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, từ đó Bộ NNPTNT kịp thời điều chỉnh cách quản lý, "ứng xử với ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường".
Theo Dân Việt
Ngành thủy sản không còn ưu tiên tìm thị trường mới
23/08/2023 06:00Ngân hàng không thiếu vốn nhưng doanh nghiệp thủy sản rất khó tiếp cận vốn vay
05/04/2023 11:52