Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đấu giá biển số ô tô: Tranh luận việc trả giá "khủng" rồi bỏ cọc
Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, vừa qua đã có 6 trường hợp đấu giá biển số ô tô thành công nhưng bỏ cọc. Cụ thể là những người trúng đấu giá các biển số: 98A-666.66; 30K-555.55; 30K-567.89; 36A-999.99; 51K-888.88 và 47A-599.99 ngày 15/9.
Quy trình đấu giá vẫn còn bất cập?
Một số độc giả cho rằng, những người trúng đấu giá biển số là người bấm nút đấu giá sau cùng chứ không phải là người có dự định trả giá cao nhất.
Ban đầu, mọi người có xu hướng đấu giá lên cao theo khả năng tài chính của mình, nhưng cũng không thể đoán được khả năng tài chính của những người cùng tham gia khác nên đến những giây phút cuối, người tham gia phải bấm đua để chờ sự may rủi thắng đấu giá biển đẹp như ý.
Một số ý kiến cũng cho rằng, đơn vị tổ chức đấu giá nên áp dụng quy trình đấu giá trực tiếp vào đấu giá trực tuyến. Ví dụ chỉ để 30 phút đầu tiên cho mọi người trả giá tự do. Sau 30 phút đến giai đoạn chốt giá, chốt giá ba lần mỗi lần cách nhau 5 giây, sau hai lần chốt giá nếu không có ai trả thêm lần chốt giá thứ ba coi như tìm được người thắng đấu giá.
Có như vậy thì những người tham gia đấu giá mới có đủ thời gian cân nhắc tài chính và tránh được tình trạng bấm đua; khi đó chắc chắn sẽ tìm được người có mong muốn trả giá cao nhất.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội) - cho biết, người tham gia đấu giá phải nộp lệ phí và đặt cọc trước khi tham gia phiên đấu giá.
Người trúng đấu giá sẽ được cấp biển số xe trúng đấu giá tương ứng, và phải nộp tiền mua biển số xe trong thời hạn quy định. Người không trúng đấu giá sẽ được hoàn trả tiền cọc.
"Tuy nhiên, hoạt động đấu giá biển số xe hiện nay vẫn còn bất cập và hạn chế. Đã có trường hợp bỏ cọc vì ngoài khả năng thanh toán mà không dự đoán trước được. Nguyên nhân của việc này có thể do hệ thống đấu giá hiện nay còn mới và chưa hoàn thiện", luật sư Bình nói.
Theo ông Bình, từ bất cập trên, đã có trường hợp trúng đấu giá nhưng có thể không phải là dựa trên nhu cầu thực sự của họ. Người trúng đấu giá không lường trước được các vấn đề về tài chính trong khi họ chưa kịp suy nghĩ... Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.
"Do vậy, có thể chúng ta cần phải thay đổi quy trình đấu giá", luật sư Bình nhận định.
Theo luật sư, đơn vị tổ chức đấu giá có thể áp dụng quy trình đấu giá trực tiếp vào đấu giá trực tuyến. Có thể để 30 phút đầu tiên cho mọi người trả giá tự do. Sau đó đến giai đoạn chốt giá, chốt giá ba lần mỗi lần cách nhau 5 giây, sau hai lần chốt giá nếu không có ai trả thêm, thì lần chốt giá thứ ba coi như tìm được người thắng đấu giá.
"Có như vậy thì những người tham gia đấu giá mới có đủ thời gian cân nhắc tài chính, và tránh được tình trạng bấm đua, và chắc chắn sẽ tìm được người có mong muốn trả giá cao nhất", luật sư phân tích.
"Bỏ cọc do chạy theo đám đông?"
Còn theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, có hai trường hợp bỏ cọc khi đã trúng đấu giá biển số ô tô đó là: Mất cọc vì chạy theo đám đông và mất cọc vì tính toán sai.
Theo luật sư, một số người đấu giá thấy người khác trả giá cao hơn là chạy theo tăng giá, không còn nhận ra mình là ai, không dự toán được tài chính.
Còn mất cọc vì tính toán sai là trường hợp trả giá cao với hy vọng sở hữu được biển số đẹp rồi bán lại kiểu "lướt cọc" nhưng không thành công.
"Quy trình đấu giá hiện nay là thực hiện thí điểm, qua các cuộc đấu giá vừa rồi thì chưa thấy phát sinh vấn đề gì bất cập. Bởi vậy, tiếp tục thực hiện đấu giá thí điểm theo Nghị định 39 và Nghị quyết 73 là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn hiện nay", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư, chuyện người tham gia đấu giá bỏ cọc phần lớn là do lỗi của họ. Chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc do nguyên nhân khách quan hoặc do lỗi từ phía cơ quan chức năng là rất hiếm gặp.
"Người tham gia đấu giá biển số xe tự do trả giá và người nào trả giá cao nhất thì người đó sẽ trúng đấu giá. Bởi vậy, không có gì có thể biện luận rằng mình phải trả giá cao là do người khác", luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư cho rằng, quy trình tham gia đấu giá biển số xe cũng giống như đấu giá tài sản, người trả giá cao nhất sẽ trúng giá và nếu không nộp tiền thì sẽ mất tiền cọc.
Nếu người tham gia đấu giá dự trù tài chính ở một mức độ nhất định thì chỉ nên trả giá ở mức tối đa của bản thân, nếu người khác trả giá cao hơn thì mình không trúng giá và không mất tiền cọc.
"Nếu trả giá theo đám đông với mục tiêu là phải "chiến thắng", thì việc bỏ cọc là khó tránh, nếu như cái giá cuối cùng đó vượt quá khả năng của bản thân. Trong trường hợp này người tham gia đấu giá vì ăn thua chứ không phải là có nhu cầu thực sự, không phải tính toán dựa trên khả năng và nhu cầu của bản thân", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư, thông thường thì người tham gia trúng đấu giá đã phải định hình trong đầu mức giá trước khi bấm số, là mình chỉ mua với giá cao nhất là một khoản tiền mà mình đã dự tính từ trước, nếu quá số tiền đó thì chấp nhận để người khác chiến thắng và mình nhận lại tiền cọc.
"Không ít trường hợp tham gia đấu giá biển số xe nghĩ rằng mình có thể thao túng được thị trường này, muốn trục lợi từ việc chênh lệch giá nên chủ động trả giá cao rồi bỏ cọc để đẩy mặt bằng giá...
Tuy nhiên, thao túng thị trường chứng khoán, thao túng giá bất động sản thì còn có thể làm được ở một số người, trong một vài thời điểm, ở một vài khu vực. Còn với quy trình đấu giá thí điểm biển số xe hiện nay tôi cho rằng là khó thực hiện được", luật sư Cường nhận định.
Ông Cường nói thêm, việc một số người "máu ăn thua" nên cứ trả giá cao theo đám đông, cuối cùng trúng giá nhưng vượt quá khả năng thanh toán, thì chuyện bỏ cọc, mất cọc là không tránh khỏi. Đây là rủi ro do người đấu giá tự đưa mình vào chứ không phải do quy định của pháp luật hay do quy trình đấu giá biển số xe.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người dân phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá (tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số ô tô).
Nếu trong thời gian kể trên, người dân không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), thì biển số ô tô đó sẽ quay trở lại kho số chung thuộc quyền sở hữu của Bộ Công an, và biển số đó sẽ được tiếp tục đưa ra đấu giá lại.
Ngoài ra, người trúng đấu giá biển số đẹp sẽ không được hoàn trả số tiền đặt trước là 40 triệu đồng.
Cũng theo Cục CSGT, việc người dân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc không lấy biển số, tuy không bị xử lý nhưng sẽ gây mất thời gian và tâm lý e ngại cho những người có nhu cầu thực tế.
Theo Dân Trí