Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đề nghị làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN
Trong báo cáo thẩm tra về kinh tế, xã hội vừa hoàn thành ngày 8/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có lĩnh vực năng lượng.
Về giá điện, vào ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra phản ánh, một số ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.
Các ý kiến này cho rằng, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện”, báo cáo thẩm tra nêu.
Theo cơ quan của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW và được cụ thể hoá trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề này về những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về vấn đề xăng dầu, Ủy ban thẩm tra đánh giá, nhìn chung trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước chịu tác động của một số yếu tố như biến động về giá trên thị trường thế giới, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành giá xăng dầu.
Trong giai đoạn tháng 1-2/2022, nguồn cung thiếu hụt do năng lực sản xuất trong nước khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ lệ đáng kể (35-40%) trong tổng cung nội địa giảm công suất xuống còn 55-80%.
Trong năm 2023, các nhà máy lọc dầu trong nước phát sinh sự cố kỹ thuật hoặc phải bảo dưỡng định kỳ, dẫn đến không đủ nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2022 đến nay, tuy giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước có đủ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.
Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”.
Nêu thực tế trong tháng 2/2023, trước sự phản ứng từ các doanh nghiệp bán lẻ, có thời điểm nhiều doanh nghiệp đầu mối, phân phối đã đồng loạt nâng mức chiết khấu để giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc này chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được căn cơ của vấn đề.
Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có những bất cập và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, dù mới có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, nhưng đã sớm bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, chưa giải quyết được triệt để căn nguyên của vấn đề, do đó, cần được xem xét, sửa đổi để kịp thời tháo gỡ.
Theo chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sẽ được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách.
Theo Báo đầu tư