Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi
Cần cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi, điện khí
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp với hàng loạt tập đoàn năng lượng, cơ quan của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power); Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas); Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng và Lãnh đạo các đơn vị của liên quan của Bộ Công Thương đã thông tin về tình hình triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong quy hoạch điện VIII.
Các ý kiến doanh nghiệp đều thống nhất nhận định các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần chuyển dịch năng lượng để thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Các doanh nghiệp, tập đoàn đề nghị cần báo cáo Chính phủ và Quốc hội có chủ trương về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc chưa được pháp luật quy định trong quá trình triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi là cấp thiết để đảm bảo thực hiện các dự án theo Quy hoạch điện VIII.
Hội nghị thống nhất cần sớm báo cáo, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét để có Nghị quyết, chủ trương về cơ chế, chính sách đối với các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.
Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà carbon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
Ông cho rằng cần thống nhất cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.
Riêng dự án điện gió ngoài khơi, ông nói cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.
Theo ông Diên, để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoạt động cung ứng điện trong thời gian tới, các tập đoàn như EVN, PVN, PV Oil, PV Power cần khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án.
Đồng thời, các tập đoàn này được yêu cầu tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20/12/2023.
Bộ trưởng Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW).