Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được nhiều kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành về việc mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân có thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.
Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định;
Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Theo Bộ Xây dựng, hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.
Ngoài ra, cử tri quan tâm về việc việc vay vốn cho thuê, mua nhà ở xã hội và nên nới rộng đối tượng chịu thuế (ngưỡng 11 triệu đồng/tháng).
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, hiện, do nguồn lực của nhà nước còn nhiều hạn chế nên việc cân đối nguồn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, từ tháng 6/2016 đến nay, ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020 để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
Bộ Xây dựng khẳng định, việc quy định về điều kiện thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhằm tập trung giải quyết nhà ở cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, Luật Nhà hiện hành quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế nảy sinh bất cập có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang dự thảo theo hướng: Có chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; Khi thuê nhà ở xã hội, người thuê không phải chứng minh điều kiện về thu nhập, nhà ở; Giá thuê nhà ở xã hội do 2 bên tự thỏa thuận.
Như vậy, các quy định trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như điều kiện thuê nhà đã được xem xét, mở rộng phạm vi đầu tư và triển khai thực hiện nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhiều cơ hội hơn khi tiếp cận thuê nhà ở.
Theo TPO