Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Điện tử, bán dẫn, năng lượng, kinh tế số sẽ tiếp tục hút vốn FDI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định đây là những lĩnh vực Việt Nam tăng cường khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.
Bộ cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo một khảo sát mới đây của AmCham (Hiệp hội thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng của họ. Trên 50% cho biết đối với họ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.
Một báo cáo của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) cũng cho thấy các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN, vốn được chọn là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư này.
Trong những lĩnh vực đang được Việt Nam khuyến khích đầu tư, chip bán dẫn và sản xuất điện tử đang thu hút quan tâm mạnh mẽ hơn, theo ông Tim Evans, CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam.
FDI & những ngành công nghệ cao
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội tháng 9/2023, hai nước đã công bố Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ngoài ra, hợp tác trong ngành chip bán dẫn là chủ đề nóng nhất trong chương trình nghị sự. Trước đó, Marvell Technology của Mỹ (tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về thiết kế chip) đã công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM.
Amkor Technology (Mỹ) đang trong quá trình đầu tư tổng cộng 1,6 tỷ USD tại Việt Nam thông qua nhà máy bán dẫn đang hoạt động tại Bắc Ninh. Amkor là thành viên của Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (Global Semiconductor Alliance GSA), được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Doanh thu của Amkor đạt hơn 7 tỷ USD năm 2022 và khoảng 6,5 tỷ USD năm 2023, theo báo cáo của tập đoàn.
Trong lĩnh vực điện tử cao cấp, không thể không nhắc tới Samsung. "Ông trùm" điện tử Hàn Quốc chính thức đổ vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh. Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư không ngừng tại Hà Nội, TP.HCM và Thái Nguyên, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Năm 2023, xuất khẩu của Tổ hợp Samsung Việt Nam đạt 55,7 tỷ USD, CEO Choi Joo Ho của Samsung Việt Nam báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong lần gặp gỡ mới đây. Ông Choi nói Samsung đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD vào năm ngoái, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD, và sẽ tiếp tục đổ thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam.
Cuối tháng 12/2023, ShunSin Technology (công ty con của tập đoàn công nghệ Foxconn) công bố kế hoạch đầu tư 20 triệu USD để mở công ty mới tại Việt Nam nhằm cung cấp những con chip tích hợp bên trong nhiều bộ vi xử lý để đáp ứng nhu cầu của thế giới.
ShunSin đang vận hành 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn ở Việt Nam, đặt tại Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, chủ yếu để đáp ứng các đơn hàng từ khách hàng Mỹ. Chủ tịch của ShunSin là ông Chiang Shang-yi, người được Foxconn bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Chiến lược Bán dẫn của Foxconn vào tháng 11/2022.
Năng lượng tái tạo cũng sẽ thu hút thêm nhiều vốn từ nước ngoài vì Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu trung hòa carbon (Net zero) vào năm 2050.
Đơn cử, Công ty Tài chính Quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới World Bank) thông báo hôm nay ngày 6/3 về với khoản tài trợ 64 triệu USD của IFC dành cho Công ty Sermsang Palang Ngan (SPN) của Thái Lan để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Theo IFC, SPN hiện nay mới chỉ sở hữu 1 nhà máy điện mặt trời 52 MW tại tỉnh Lopburi miền bắc Thái Lan. Khoản "tài chính xanh" từ IFC sẽ giúp doanh công ty này mở rộng thị trường sang Việt Nam và Indonesia.
Cuối tháng 2 vừa qua, Honeywell – tập đoàn đa quốc gia hàng đầu từ Mỹ – cho biết đã ký biên bản ghi nhớ với công ty The Green Solutions (TGS, trụ sở tại TP.HCM) để cùng nhau thực hiện dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên của Việt Nam đặt tại tỉnh Trà Vinh.
Có diện tích hơn 20ha, dự án hydro xanh Trà Vinh đang trong quá trình xây dựng với mục tiêu cung cấp 24.000 tấn hydro nhiên liệu sạch và 195.000 tấn oxy y tế mỗi năm. Mức đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng, tương đương 327 triệu USD.
Honeywell cho biết sẽ đóng góp vào dự án những công nghệ như thiết kế và quản lý dự án tự động, sẽ giúp quản lý trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm hệ thống lưu trữ pin năng lượng (BESS), để giúp công ty TGS tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào nhà máy hydro xanh này.
Ngoài BESS, Honeywell sẽ cung cấp các giải pháp chuyên sâu trong toàn bộ chuỗi giá trị hydro để giúp TGS hoạt động an toàn, có lợi nhuận và đáp ứng các mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo.
3 "nút thắt" cản trở FDI
Ông Tim Evans, CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định Việt Nam cần phải gỡ được ba "nút thắt" lớn để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả.
Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng.
Ông cho biết: "Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10 đến 26 của các nước ASEAN khác".
Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy suất… Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển vốn đã hỗ trợ cho xuất khẩu từ Việt Nam.
Cuối cùng, thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Theo khảo sát mới nhất từ HSBC Global Connection, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây. Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường.