Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Doanh nghiệp bất động sản chờ diễn biến thị trường để "bung hàng"
Bước vào nửa sau năm 2024, nhiều chuyên gia kỳ vọng những yếu tố khách quan về nền kinh tế tín dụng… đang tác động tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trong đó, việc các bộ Luật, chính sách sắp có hiệu lực được xem là "chìa khóa", trợ lực quan trọng với thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng trên nền tảng tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản đề ra, tín dụng thoát cảnh "đìu hiu", mặt bằng lãi suất vay vẫn thấp, giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy...
Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó, chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia đánh giá, khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" của nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng. Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào bất động sản.
Bức tranh thị trường bất động sản các tháng cuối năm được dự báo có màu sắc tươi sáng hơn. Ảnh: Gia Linh
Theo ông Đính, sau khi các bộ Luật có độ "ngấm" thì đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Các chuyên gia đánh giá về phân khúc nhà ở, trên cơ sở các bộ Luật mới có hiệu lực sớm, các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ "bung hàng" với các hoạt động truyền thông rầm rộ hơn.
Dự báo, nguồn cung bất động sản trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nguồn cung lớn đến từ phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang với chất lượng sản phẩm và mức giá bán phục hồi rõ nét. Các sản phẩm thấp tầng cũng sẽ được tung ra nhiều hơn khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng gia nhập thị trường.
Nhu cầu mua nhà để ở sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá,... sẽ thúc đẩy lượng giao dịch tiếp tục tăng.
Theo VARS, lượng giao dịch dự kiến sẽ tăng khoảng 20% so với nửa đầu năm do nguồn cung dự kiến chỉ "bật tăng" vào thời điểm cuối năm, vẫn được đóng góp chủ yếu bởi loại hình căn hộ.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào thời điểm cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản phát huy hiệu quả tốt hơn. Với nguồn cung sơ cấp căn hộ, chủ yếu là căn hộ cao cấp tăng, mặt bằng giá căn hộ, tại các dự án có mức giá quanh 40 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, khoảng 100-300 triệu/căn.
Tham khảo thêm