Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Doanh nghiệp blockchain Hàn Quốc nhắm đến thị trường Việt Nam
Ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc Korea CEO Summit cho biết cả Hàn Quốc và Việt Nam đều đang nỗ lực phát triển công nghệ blockchain. Đối với Hàn Quốc, công nghệ blockchain đã được xem là một trong những lĩnh vực tiên tiến nhất. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn.
"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rất cao, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này. Việt Nam là một đất nước trẻ, chính sự năng động của người Việt và tinh thần hỗ trợ của Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc", ông Park Bong Kyu nhìn nhận.
Thị trường tỷ USD
Bà Yang Hyang Ja, Ủy viên Quốc hội Chính phủ Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Chất bán dẫn Hàn Quốc cũng nhìn nhận với lực lượng dân số trẻ chiếm phần lớn, thị trường Việt Nam có mức độ tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng. Do đó, bà tin rằng việc ứng dụng blockchain tại Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong thời gian tới.
Đây là lý do có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam lần này để tìm kiếm đối tác kinh doanh và phát triển dự án. Đồng thời, bà và một số thành viên khác của Chính phủ Hàn Quốc cũng mong muốn trao đổi về định hướng của Hàn Quốc đối với công nghệ blockchain và Web3 trong tương lai nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên.
Bà cho rằng hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cũng như xây dựng hệ sinh thái chung nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi bên. Mặt khác, nhờ sự đi trước của Hàn Quốc, quốc gia này cũng có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý để quản lý công nghệ mới này.
Báo cáo của Grand View Research cho biết thị trường công nghệ blockchain toàn cầu ở mức 5,92 tỷ USD vào năm 2021, tăng lên 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến đạt mốc 163,83 tỷ USD vào năm 2029.
Trong đó, Việt Nam đang được xem là thị trường có mức chấp nhận blockchain, cũng như phát triển công nghệ blockchain hàng đầu. Trong top 200 công ty hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập.
Theo MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group cho biết ở Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu ví liên quan đến tiền điện tử và tài sản số (NFT). Những năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 500-1.000 doanh nghiệp ứng dụng blockchain.
Từ những ứng dụng đầu tiên trong việc truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, nay blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, từ thiện, y tế, giáo dục...
Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng người sở hữu NFT lớn nhất trên thế giới. Do đó, một số bằng sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đang nghiên cứu để NFT hóa và bán ra thế giới.
“Việt Nam có lực lượng dân số trẻ, mức độ thích nghi với công nghệ luôn cao. Ngoài ra, đội ngũ lập trình viên công nghệ cũng rất tài năng, với ngày càng nhiều công ty công nghệ và đại học đào tạo về công nghệ”, ông Bảo nói.
Chia sẻ cách đây không lâu, ông Bryan Lee, Giám đốc điều hành hệ sinh thái nhân sự Glints Việt Nam cũng đánh giá các kỹ sư công nghệ của Việt Nam đứng hàng đầu khu vực về kỹ năng trong lĩnh vực blockchain và AI.
Với dân số trẻ có trình độ tay nghề cao và tiềm năng của ngành dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, Việt Nam tiếp tục là một thị trường công nghệ mạnh mẽ bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay.
Vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ
Dù vậy, theo ông Trương Gia Bảo, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi muốn ứng dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh bởi hệ sinh thái hỗ trợ chưa hoàn thiện, còn thiếu các viện nghiên cứu và đơn vị cung ứng giải pháp.
Thực tế, là một trong những doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp đang nghiên cứu ứng dụng blockchain, bà Trần Thị Đan Thanh, CEO MVOT cũng nhấn mạnh rào cản lớn nhất là khó tiếp cận thông tin và giải pháp.
Hiện tại, bà đang hoàn thiện quá trình NFT hóa thương hiệu làm đẹp của doanh nghiệp để ra mắt trong vòng 2-3 tháng tới.
“Tài sản số này sẽ được sử dụng như điểm tích lũy trong các chương trình khách hàng thân thiết truyền thống. Tài sản này cũng sẽ có giá trị hơn nếu thương hiệu phát triển tốt, khi đó khách hàng có thể giao dịch những NFT này để kiếm lời”, bà Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, chi phí hiện cao gấp đôi so với việc ra mắt thương hiệu thông thường. Dù vậy, bà cho rằng tiềm năng lớn nếu nhìn về dài hạn, đây cũng là cách để doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Còn với các doanh nghiệp dựa trên công nghệ blockchain để phát hành tài sản số hay gọi vốn, ông Bảo cho hay họ đang gặp trục trặc về pháp lý.
Ông nhấn mạnh đây vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ và sự bền vững còn là dấu hỏi lớn. Do đó, ông đánh giá cao việc Chính phủ vẫn đang theo dõi và cập nhật hướng đi của các nước khác nhằm tìm công thức ứng dụng tốt nhất cho Việt Nam.