Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Doanh nghiệp địa ốc cần giảm giá bán để kích cầu người mua nhà
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cần thời gian dài để khắc phục. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là các phân khúc bình dân vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, tổng nguồn cung nhà ở giai đoạn 2018 - 2022 liên tục sụt giảm, từ mức 180.000 sản phẩm năm 2018 - năm chưa xảy ra đại dịch, xuống còn khoảng 48.000 sản phẩm vào năm 2022. Năm 2023, tổng nguồn cung nhà ở tăng nhẹ, đạt khoảng 55.000 sản phẩm, nhưng mới chỉ bằng 32% so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn cung nhà ở ngày càng mất cân đối, các dự án mới mở bán chủ yếu là sản phẩm cao cấp, căn hộ giá từ 40 triệu đồng/m2, trái ngược với sự khan hiếm của phân khúc căn hộ bình dân (<25 triệu đồng/m2). Theo đó, tỷ trọng căn hộ bình dân giảm từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 66 vào năm 2023.
Lệch pha cung cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là phân khúc căn hộ, liên tục thiết lập mặt bằng giá neo ở mức cao, vượt xa khả năng chi trả của những người có nhu cầu thiết thực về nhà ở. Thanh khoản trên thị trường sụt giảm mạnh, tồn kho gia tăng, khiến doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, giải pháp được đặt ra và nói đến nhiều nhất là các doanh nghiệp địa ốc cần giảm giá bán. Về gốc độ pháp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế đành thuế tài sản đối với đối tượng tích lũy, đầu cơ. Mức thuế có thể nâng cao dần nếu chủ sở hữu bất động sản nhưng không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, hay không triển khai xây dựng sau khi nhận đất.
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group đánh giá niềm tin của nhà đầu tư được xây dựng, củng cố từ rất nhiều yếu tố. Trong đó, thị trường buộc phải giải quyết thông thoáng về mặt pháp lý dự án hoàn chỉnh, sản phẩm tung ra phù hợp với túi tiền người dân.
"Chủ đầu tư phải có lộ trình hoàn chỉnh pháp lý sớm nhất, chấp nhận lợi nhuận thấp đi bán sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người mua thì lúc này mới tạo nên thanh khoản, luân chuyển dòng tiền, từ đó vực dậy niềm tin nhà đầu tư", ông Phúc cho hay.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng ngoài việc giảm giá bán thì việc phải thay đổi được tâm lý mua nhà bất động sản là điểm mấu chốt để khơi thông thị trường. Thời gian tới, nếu nhà đầu tư cứ giữ tâm lý đợi chờ bất động sản giảm giá, nhất định không chịu xuống tiền thì thị trường sẽ không có thanh khoản.