Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Du ngoạn buýt sông
Ngồi trên buýt, đôi mắt người đàn ông quê Thái Bình cứ lượn lờ theo đường chân trời xanh biếc. Nhìn về phía xa, ông Cứ chớp chớp mắt tỏ vẻ bất ngờ khi gặp khóm lục bình trôi giữa lòng phố thị. Ông bảo: "Tôi tưởng rằng thành phố chỉ có những nẻo đường đông đúc, những tòa nhà chọc trời, những quán hàng sang trọng, đắt đỏ. Ai ngờ còn có cả bóng dáng của miền quê".
Ngắm thành phố từ sông
Đối với ông Cứ, trải nghiệm buýt trên sông là điều rất thú vị và giá cho một chuyến đi trên sông để ngắm trọn thành phố như thế này thì quá "hời". Vị cựu chiến binh kể, nhiều năm trước vào Sài Gòn, bên kia bờ sông phía Thủ Thiêm vẫn còn hoang sơ, cỏ dại mọc um tùm.
Buýt sông Sài Gòn chính thức được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2017. Những năm gần đây tại TP.HCM, loại hình du lịch này rất được quan tâm và đầu tư. Đây là trải nghiệm mới lạ và được du khách sự lựa chọn vào mỗi dịp cuối tuần. Chỉ với 30.000 đồng cho cặp vé khứ hồi, du khách sẽ có một chuyến du lịch bằng buýt đường sông để có thể ngắm trọn vẻ đẹp của Sài Gòn ở một góc độ rất khác.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (ngụ quận 11) bày tỏ sự thích thú khi đi buýt sông. "Một cảm giác rất lạ, tôi quên hết những ồn ào, chen chúc, chẳng còn nhớ đến tiếng còi xe, mùi gắt của động cơ, xăng dầu, khói bụi dưới cái nắng chói chang như muốn đốt cháy vai người, chỉ còn lại cõi lòng bình lặng, yên ả", bà Thủy nói.
Buýt đường sông bắt đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) đi qua 4 ga, ga lớn nhất là ga Bạch Đằng (Q.1), ga Bình An (TP Thủ Đức), ga Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và ga Linh Đông (TP Thủ Đức). Thời gian giãn cách giữa các chuyến là 1 tiếng. Hành trình di chuyển toàn chặng khoảng 30 phút cho quãng đường dài gần 11km.
Có mặt tại bến Bạch Đằng (quận 1) lúc 9h sáng, chị Thảo cùng hai người bạn đón chuyến buýt gần nhất đi Thủ Đức. Tại sảnh chờ ở bến, chị Thảo chia sẻ lần nào đến Sài Gòn chị cũng bắt chuyến buýt dạo quanh sông ngắm nhìn thành phố. Đây là loại hình không xa lạ với các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới, một phương tiện di chuyển đầy thú vị. "Không nhất thiết bạn là khách du lịch, đi học hay đi làm, ngồi trên buýt sông đều có thể ung dung ngắm cảnh, sạch sẽ và mát mẻ nữa. Bến đỗ mỗi chặng dừng cũng to, đẹp không khác gì bến Bạch Đằng", chị Thảo bày tỏ.
Gắn với văn hóa "trên bến dưới thuyền"
Tháng 12, World Cruise Awards (WCA) trao tặng Việt Nam danh hiệu điểm đến du thuyền trên sông tốt nhất châu lục 2021. Để nhận giải thưởng này, Việt Nam đã vượt qua hàng loạt đề cử "nặng ký" khác như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Lào.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật cho biết buýt sông là dự án thành công vượt mong đợi. Thống kê của công ty trung bình tỷ suất lấp đầy của tàu hơn 70%. Đối với ông Toản, hơn 6 năm đi vào hoạt động, buýt đường sông đã tạo ra được giá trị văn hóa sông nước và mang đậm dấu ấn nhận biết cho thành phố, tạo ra chuỗi hạ tầng bến cảng… và được người dân xem đây là một chỗ hẹn hò, vui chơi cuối tuần.
"Chẳng hạn khi đến thành phố này, người ta sẽ hỏi Sài Gòn có gì chơi không? Bạn sẽ nghĩ ngay đến buýt sông, rẻ lắm chỉ 30.000 đồng cho hai lượt", ông Toản bày tỏ.
Cũng theo ông Toản, một số nước như Thái Lan, Hà Lan, Pháp… có tỷ lệ sử dụng phương tiện đường thủy để đi lại so với đi du lịch luôn vào khoảng 30-70%. Hiện tỷ lệ phục vụ đi lại của các tuyến buýt thủy chưa tới 30%, nhưng kể cả có phát triển hoàn thiện, tỷ lệ này cũng sẽ không khác biệt so với thế giới.
"Tài nguyên sông nước là thiên nhiên ban tặng, là tổ tiên để lại, là giá trị văn hóa lịch sử 300 năm trên bến dưới thuyền, bây giờ mình phải kế thừa phát huy và có trách nhiệm chuyển giao cho đời sau", vị giám đốc tâm niệm.
TS.Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử TP.HCM cho rằng từ sông Sài Gòn không chỉ hình thành nên các sản phẩm du lịch, giao thông đường thủy... mà còn phải tạo nên một hệ sinh thái gắn chặt với kinh tế ven sông.
"TP.HCM cần thiết kế một hoặc nhiều tuyến dựa trên các kênh rạch trong nội đô từ hai con sông lớn là mặt tiền sông Sài Gòn và kênh Bến nghé - Tàu Hũ", bà Hậu nói và cho rằng, việc phát triển tuyến buýt sông cần gắn kết di sản văn hóa vì TP.HCM gắn liền với dòng sông: "Bản thân kênh rạch, sông nước là di sản".
- Tham khảo thêm