Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Đụng vào bán lẻ - tiêu dùng sẽ phỏng tay giới đầu tư?
Việt Nam và Malaysia là các nước mà tập đoàn Central đang nhắm đến do sự tương đồng về văn hóa, hành vi tiêu dùng và đã có nền tảng từ hệ thống bán lẻ thuộc công ty Central Retail của Central Group, tập đoàn này thông tin trong thông báo tháng 2/2024 về việc công ty bất động sản Central Pattana thuộc Central thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Pháp nhân mới có tên là công ty TNHH CPN Global, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và do Central Pattana sở hữu 100% cổ phần. Central Pattana đang là công ty bất động sản bán lẻ lớn nhất Thái Lan. Bên cạnh các trung tâm thương mại, tập đoàn mẹ Central Group cũng phát triển nhiều dự án văn phòng, khu dân cư, khách sạn… thông qua Central Pattana.
Trung tâm thương mại Go! trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú. TP.HCM. Ảnh tư liệu
Cũng thuộc nhóm dẫn đầu về bán lẻ - tiêu dùng như Central Retail ở Việt Nam là chuỗi Bách Hóa Xanh thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Báo cáo tài chính quý IV/2023 của MWG (mã MWG, sàn HoSE) cho thấy doanh thu năm 2023 của Bách Hóa Xanh tăng 17% so với năm 2022 lên con số 31.600 tỷ đồng. Mức tăng của quý IV/2023 là 31%.
MWG báo tin mừng vì trong tháng cuối cùng của năm 2023, Bách Hóa Xanh đạt mục tiêu hòa vốn sau khi tính mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi. Từ kết quả hòa vốn, chuỗi bán lẻ tiêu dùng này được công ty mẹ kỳ vọng sẽ có lãi trong năm nay.
Bách Hóa Xanh đang vận hành hơn 1.700 cửa hàng bách hóa, chủ yếu tại các tỉnh - thành phía Nam.
Trong bối cảnh này, Reuters vừa cho biết CDH Investments, một trong những công ty đầu tư lớn nhất Trung Quốc, đang đàm phán mua lại cổ phần thiểu số của Bách Hóa Xanh từ MWG. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi này có thể lên tới 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, cả CDH và MWG không lên tiếng gì về thông tin từ Reuters. Hãng tin quốc tế này nói rõ là không chắc chắn về khả năng thành công của thương vụ tuy CDH muốn mua tối đa 10% cổ phần của Bách Hóa Xanh. Giả sử định giá là 1,7 tỷ USD và CDH đàm phán được tỷ lệ nắm giữ 10%, bên mua phải bỏ ra 170 triệu USD.
CDH không phải là "người lạ" đối với MWG vì đã từng là một trong những cổ đông lớn nhất trong hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG.
Trở về quá khứ, tháng 3/2013, tập đoàn Mekong Capital cùng các cổ đông sáng lập MWG thông báo đã bán gần 20% cổ phần của công ty cho CDH Electric Bee Limited trực thuộc CDH Investment. Phía Trung Quốc mua 2,08 triệu cổ phần, tương đương 19,88% vốn của MWG, và đưa ông Thomas Lanyi từ CDH Investment vào Hội đồng Quản trị của MWG để đại diện cho gần 20% vốn đó.
Hơn 1 năm sau, CDH Electric Bee bắt đầu thoái vốn khỏi MWG trước khi ông Tài đưa công ty của mình lên niêm yết trên sàn HoSE vào giữa năm 2014. Cập nhật về chủ sở hữu trong tháng 10/2016 cho thấy CDH chỉ còn nắm giữ 3,22% vốn MWG, không còn là cổ đông lớn nữa. Phần vốn còn lại này cũng đã được CDH rút đi hoàn toàn vào tháng 2/2018.
Theo thông tin từ CDH, công ty này đang quản lý lượng tài sản tổng cộng hơn 27 tỷ USD. CDH là nhà đầu tư lớn tại tập đoàn WH Group, công ty cung cấp thịt heo lớn nhất thế giới có trụ sở toàn cầu tại Hong Kong, và tại nhà sản xuất thiết bị gia dụng toàn cầu Midea Group (gốc Trung Quốc).