Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Fed không cắt giảm lãi suất vào tháng 3, điều gì sẽ xảy ra?
Fed dự kiến giảm lãi suất năm nay có thể không phải là tin tốt cho USD nhưng một số đồng tiền châu Á sẽ được hưởng lợi. Lý do, lãi suất tăng sẽ giúp đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, trong trường hợp này là thu hút đầu tư nước ngoài và tăng nhu cầu USD. Nhưng khi những tờ bạc màu xanh yếu đi thì đó là tin tích cực cho một số thị trường khác.
Chủ tịch Jerome Powell của Fed đã khẳng định người Mỹ cần kiên nhẫn đợi thêm vì việc cắt giảm lãi suất khó đến vào tháng 3 như kỳ vọng. Vì vậy, các thị trường thế giới đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2024, bắt đầu từ tháng 6.
Mức tăng trưởng GDP 3,3% trong quý 4/2023 tại Mỹ, số việc làm mới tháng 1 tăng 353.000 và lạm phát tháng 1 ở mức 3,1% là những dữ liệu gây nhiễu cho chính sách của Fed. Điều này khiến thị trường hụt hẫng trong khi đang mong đợi lãi suất giảm.
Dù Fed đã bớt đi tính "diều hâu" trong tháng 12 nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản từ 5,25% đến 5,5% trong cuộc họp cuối tháng 1. Công cụ CME FedWatch dự báo đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên, cũng sớm nhất là vào tháng 6.
Điểm nổi bật trong tuần này là đối với kinh tế thế giới là biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed sẽ được công bố ngày 21/2, giờ Mỹ. Bên cạnh quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 30 - 31/1, Fed bày tỏ quan điểm: Cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 3 là khó có thể xảy ra.
Chủ tịch Jerome Powell và một số lãnh đạo khác của Fed cho biết cần thêm thời gian để đảm bảo lạm phát đang trên con đường bền vững trở lại mục tiêu 2% của Fed.
Giá USD thế giới hiện nay đang tiếp tục đi lên. Chỉ số USD-Index hôm nay đạt 104,26 điểm, cao hơn 0,05 điểm so với hôm qua – ngày 19/2 – là Ngày Tổng thống nên thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ, khối lượng giao dịch ghi nhận thấp. Chỉ số USD-Index đã ghi nhận mức tăng cao nhất kể tính từ tháng 11/2023 sau khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 1.
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 90 điểm cơ bản trong cả năm nay, giảm mạnh so với mức khoảng 145 điểm cơ bản được kỳ vọng vào đầu tháng 2.
Trái phiếu bị ảnh hưởng, cổ phiếu vẫn tăng
Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America (BofA) mới cho biết các cổ phiếu S&P 500 vẫn ở vị thế thuận lợi bất kể động thái sắp tới của Fed ra sao. Họ nhận định cổ phiếu S&P 500 sẽ có lợi nhuận cao trong năm nay, nhưng không phải vì những gì mà ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm trong năm nay, mà nhờ những kết quả thu được từ chính Fed từ tháng 3/2022.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia thị trường khác cũng cho rằng chu kỳ kinh doanh sẽ thúc đẩy đà tăng giá chứng khoán, cho dù chính sách có thay đổi ra sao.
Nhà kinh tế học David Rosenberg, người sáng lập công ty chuyên phân tích tài chính Rosenberg Research, nói: "Người xưa có câu 'Ở xứ mù, người chột làm vua'. Vì vậy, theo nghĩa bóng, những lĩnh vực hoạt động tốt trong môi trường lãi suất này có thể là chăm sóc sức khỏe và lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu".
Đối với trái phiếu, ông Rosenberg cho biết lãi suất trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ có liên quan 90% đến chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư có thể chứng kiến trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có lãi suất lên tới 4,7%, gần với mức cao nhất trong nhiều thập kỷ tính đến nay.
Rosenberg và các chuyên viên phân tích của BofA cho rằng việc duy trì lãi suất cao gây ra rủi ro giảm giá đối với cổ phiếu ngân hàng. Điều khiến các nhà đầu tư phải cảnh giác là việc các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu có lãi suất thấp.
Theo giới phân tích, những trái phiếu mang lợi nhuận thấp này không thể bù đắp chi phí huy động vốn cao của ngân hàng trong môi trường lãi suất cao.