Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Fed "trơ" với lãi suất, ECB có thể hạ lãi suất vào đầu tháng 6
Dữ liệu về lạm phát của Pháp và khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) công bố ngày 30/4 đã tăng thêm niềm tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có thể bắt đầu hạ lãi suất vào đầu tháng 6 năm nay.
Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau trên mạng xã hội Linkedin.
Các dữ liệu công bố chính thức cho thấy nền kinh tế Eurozone đã thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2024, trong khi lạm phát được giữ ổn định trong tháng 4/2024.
Mờ đi hy vọng Fed hạ lãi suất năm 2024
Lãi suất của Mỹ hiện nay vẫn neo cao trong khoảng 5,25-5,5% tính từ tháng 7/2023. Đầu năm nay, các thị trường tài chính suy đoán việc đổi chiều chính sách tiền tệ với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed diễn ra vào tháng 3. Thế nhưng, các chỉ số kinh tế của Mỹ lại đi ngược với kỳ vọng này.
Sau đó, nhiều thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã mờ đi trông thấy và đã có người cho rằng ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ không cắt giảm trong năm 2024.
Hai tuần trước, Chủ tịch Jerome Powel đã khiến thị trường ngạc nhiên với bài phát biểu gay gắt về mức độ cam kết của ông và các cộng sự.
Ông nói tại một hội nghị của Fed: “Chúng tôi đã nói tại FOMC [Ủy ban Thị Trường mở thuộc Fed] rằng chúng tôi cần có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang hướng tới mức 2% một cách bền vững trước khi trở nên phù hợp để nới lỏng chính sách tiền tệ. Dữ liệu gần đây rõ ràng không giúp chúng tôi tự tin nhiều hơn [để cắt giảm]. Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để chúng tôi đủ tự tin".
Các đồng nghiệp của ông Powell tại FMOC hiện nay đang nhận thấy không cần thiết phải hạ lãi suất.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với Fed, vẫn tăng 3,4% trong quý I, trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, xuống còn 1,6%. Các chỉ số của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đang đặt ra.
Dữ liệu do Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/4 (giờ Mỹ) cũng chỉ ra chi tiêu của người dân Mỹ đã vượt xa thu nhập trong tháng 3, trong khi tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống 3,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Điều này đã khiến thị trường nghĩ rằng Fed sẽ kéo dài thời gian giảm lãi suất sang tháng 9. Một số còn bi quan hơn và cho rằng lạm phát dai dẳng đang đe dọa khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ. Trong kịch bản xấu, Fed thậm chí phải tính đến việc tăng lãi suất trong tương lai gần.
Bối cảnh này khiến thị trường càng dồn sự quan tâm đặc biệt hơn vào cuộc họp của Fed tại Mỹ trong ngày 30/4 và 1/5.
Nếu các ngân hàng trung ương có thể ổn định giá cả mà không gây ra suy thoái kinh tế thì đó được gọi là "hạ cánh mềm". Hạ cánh mềm về mặt kinh tế là quá trình một nền kinh tế đi từ phát triển mạnh mẽ sang tăng trưởng chậm đến có khả năng đi ngang, và ngăn chặn được suy thoái.