Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
"Gã điên" chi hàng tỷ đồng cho thú vui cà phê
Một "đại bản doanh" cà phê tại nhà
"Tôi tên là Nguyễn Dũng, năm nay 55 tuổi, tôi đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình trong nhiều năm qua để tìm hiểu và sưu tầm những món đồ chơi cà phê độc lạ", anh Dũng bắt đầu câu chuyện.
Cho đến nay, bộ sưu tập gồm đồ nghề, thiết bị cơ khí, máy pha cà phê... của anh Dũng ước tính tổng số đầu tư khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Mỗi cuối tuần, trong căn phòng nằm trên con phố Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lại sôi nổi những câu chuyện đến từ những người bạn của vị chủ nhân này.
Họ đến đây không phải bỏ tiền mua một ly cà phê uống và ngồi làm việc, mà để được chiêm ngưỡng bộ sưu tập và nghe những câu chuyện về thú chơi cà phê, đam mê tìm tòi khám phá ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí chính xác của anh.
Căn phòng 120m2 "bạt ngàn" dụng cụ, khiến hầu hết khách tới chơi đều có cảm giác choáng ngợp khi lần đầu bước vào. Các thiết bị pha chế cà phê từ cổ điển đến hiện đại, tất cả đều được anh trưng bày trên những chiếc kệ gỗ kết hợp với ánh đèn vàng nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Nhiều người lần đầu tiên đến đây không khỏi xuýt xoa, ngỡ ngàng trước bộ sưu tập đồ sộ này.
Từ những dụng cụ pha cà phê espresso, pour over, siphon (xi-phông), tháp pha cà phê lạnh, cối xay cà phê thủ công, máy xay cà phê điện... đều được anh Dũng sưu tập với nhiều chủng loại, hình dáng khác nhau.
Sưu tập những món đồ chơi cà phê dường như trở thành thói quen với vị chủ nhân này, vì đi đến đâu, thấy những thứ mới lạ anh đều không tiếc tiền chi ra để mua nó.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh kể: "Ngay từ thuở còn học trung học, tôi đã là một người rất thích uống cà phê, tất nhiên hồi đó không thể có những dòng cà phê ngoại như bây giờ. Bản thân cũng là một dân phượt, cả trong và ngoài nước, nên đến bất cứ địa điểm nào thấy những món đồ pha cà phê độc lạ, tôi đều mua nó".
Chỉ tay về phía một chiếc kệ gỗ phía cuối phòng, nơi đặt những chiếc bình thủy tinh chồng lên nhau trông như một dụng cụ thí nghiệm, anh Dũng cho biết: "Như mấy bộ này tôi mua trong chuyến đi sang Trung Quốc, nó là tháp pha cà phê lạnh, mua vì thấy nó lạ chứ cũng không dùng do mỗi lần sử dụng phải mất hàng cân cà phê và hàng tiếng đồng hồ mới có thể thưởng thức".
Hay như thiết bị pha cà phê espresso cổ điển Lapavoni của Ý cũng được anh Dũng sưu tập vài bộ, có giá dao động từ 20-50 triệu đồng, bình pha xi-phông có giá vài triệu đồng hay phễu pour over được anh đặt hàng riêng từ làng gốm Bát Tràng, tất cả đều có giá trị không hề nhỏ.
Không những thế, vị chủ nhân còn sở hữu những dòng máy pha cà phê điện có giá gần một trăm triệu đồng, nhưng mua về cũng chỉ để trưng bày vì "gã" thích pha tay hơn.
Một nửa còn lại của căn phòng lại giống như một xưởng sản xuất với nhiều loại máy móc từ máy tiện, máy bắn laser,...
Anh Dũng cho biết, mình là người có chuyên môn sâu về cơ khí chính xác. Anh áp dụng hầu hết những hiểu biết trong lĩnh vực cơ khí chính xác vào nghiên cứu các loại máy móc, công cụ để phục vụ cho đam mê, chế tạo đồ pha cà phê của mình.
Thổi hồn vào thiết bị pha cà phê thủ công
Không chỉ chi rất nhiều tiền để sưu tập những dụng cụ pha chế cà phê, anh Dũng còn tự tay thiết kế máy pha, cối xay thủ công theo ý của mình, chi phí lên tới cả trăm triệu đồng.
Đối với thức uống này, để pha được một ly cà phê ngon, chuẩn vị đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ chất lượng hạt, loại hạt phù hợp, cối xay và thiết bị pha, và hơn hết là khả năng làm chủ thiết bị, cũng như kinh nghiệm của barista (người pha chế).
Ví như cà phê espresso, yêu cầu hạt xay phải mịn và đều. Đồng thời, thiết bị pha chế cũng phải nén áp suất đạt đến tiêu chuẩn phù hợp từ 9-10 bar (gấp khoảng 4 lần áp suất trên lốp xe ô tô) để có thể chiết xuất ra một ly espresso tốt. Để ly espresso trở nên hoàn hảo, còn phụ thuộc nhiều vào tay nghề của barista.
Anh Dũng đánh giá, nhiều thiết bị pha cà phê thủ công phổ biến hiện nay thường có nhược điểm như cối xay thường không đồng tâm, dẫn đến quá trình xay thường cho ra bột mịn không đồng đều, ảnh hưởng đến hương vị sau khi chiết xuất cà phê.
Hay như một số dòng máy pha espresso phổ thông trên thị trường, tấm lọc ở đáy giỏ pha sau khi dùng một thời gian sẽ bị cong vênh, (do áp suất tác động lên quá lớn), dẫn đến việc nước thẩm thấu chiết xuất cà phê sẽ không đều, làm thay đổi hương vị của espresso...
Chính vì thế, để có thể sống trọn với đam mê, người đàn ông này đã tự mình thiết kế, sản xuất ra chiếc cối xay thủ công của riêng mình nhằm khắc phục những nhược điểm trên.
"Bên cạnh hình dáng giúp người sử dụng dễ cầm và tránh đổ, chiếc cối đã được tôi thiết kế lại sao cho lưỡi nghiền cứng vững và đồng tâm nhất khi xay, điều này giúp bột cà phê được xay ra đều nhau ở mức tối ưu", anh chia sẻ.
Chiếc cối xay tay của anh được lắp ráp từ hơn 30 chi tiết, chi phí để anh nghiên cứu, sản xuất ra chiếc cối này lên tới cả trăm triệu đồng và mất nhiều tháng thử nghiệm, nhưng cho tới ngày hôm nay, anh Dũng vẫn tiếp tục nâng cấp, chưa thực sự hài lòng, thỏa mãn.
"Khi đặt gia công, các xưởng cơ khí đều hỏi số lượng. Số lượng ít họ không làm, hoặc làm với giá rất đắt. Vì thế mỗi chi tiết đều phải đặt với số lượng hàng trăm. Có những chi tiết được cắt CNC từ nguyên khối inox, nhưng làm xong về không ứng dụng được, tôi phải vứt đi cả lô", anh Dũng nói.
Mỗi một sản phẩm thử nghiệm, anh Dũng nhờ những người bạn sử dụng và đánh giá, sau đó sẽ khắc phục chi tiết sao cho ra được một chiếc cối xay hoàn hảo, đúng tiêu chuẩn.
Không chỉ dừng lại ở cối xay, anh Dũng còn tự tay thiết kế ra một loại máy pha espresso thủ công với hơn 60 chi tiết.
Chiếc máy của anh vẫn dựa theo nguyên lý của một số dòng máy trên thị trường, sử dụng tay quay nén piston đẩy áp lực nước chiết xuất cà phê. Đáy giỏ chứa cafe có thêm 1 van áp suất 6 bar. Khi áp lực dòng chảy lên tới 6 bar, van sẽ mở để hở ra những lỗ thoát rất nhỏ. Cafe được chiết sẽ đi qua đây. Với van này, lớp "kem" (crema) trên tách cà phê sẽ tơi mịn hơn.
Chiếc máy chiết xuất cà phê này đã được anh thiết kế lại một cách tối giản, từ tay quay, bộ phận chứa cà phê, lọc và chia nước đều cho thấy sự tiện lợi.
Trên hết, các chi tiết đều được gia công cơ khí chính xác từ hợp kim nhôm và inox nên nó rất bền.
Anh Dũng trình diễn pha chế một ly cà phê từ chiếc máy của mình và nói: "Đối với tất cả các dòng máy khác trên thị trường, sau khi pha xong tôi phải rửa nhiều bộ phận rất bất tiện, đặc biệt là khi chúng ta mang đi du lịch, cắm trại, nhưng đối với chiếc máy này, tôi chỉ cần đẩy bánh cà phê ra là có thể tiếp tục sử dụng ngay".
Không chỉ thế, khu vực khoang chứa nước cũng đã được anh thiết kế với dung tích vừa đủ để pha một ly espresso mà người dùng không cần phải đong từng ml nước.
Những chiếc cốc uống cà phê espresso cũng được anh đặt hàng riêng theo ý mình từ làng gốm Bát Tràng, rất độc đáo.
"Nhiều người bạn gọi tôi là "lão già điên" vì thú chơi mà họ cho là độc lạ này. Nhưng khi tôi đã đam mê một thứ gì đó, thì cứ đầu tư cho hợp với sở thích của tôi thôi", anh cười nói.
Cà phê tại nhà ngày càng được ưa chuộng
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người dân ở các đô thị phải giãn cách xã hội để đảm bảo sức khỏe, tránh lây lan.
Cũng chính trong khoảng thời gian lịch sử này, nhiều người đã học thích ứng cuộc sống theo phong cách "sống chậm". Họ tìm hiểu sâu hơn về cà phê, và bắt đầu học cách pha chúng tại nhà theo những kiểu khác nhau, thiết bị khác nhau... Covid-19 làm thay đổi thói quen của một bộ phận lớn người dân đô thị trong cách tạo ra cà phê cũng như gu thưởng thức cà phê, biến nó thành một thú chơi, một trào lưu ngày càng lan tỏa.
Họ đã mua những thiết bị pha cà phê espresso, pour over, cối xay, các loại hạt cà phê đặc sản và sử dụng mỗi ngày. Nhiều người đổ hàng trăm triệu đồng vào các thiết bị pha chế cà phê, chỉ nhắm tới một mục tiêu duy nhất là pha ra một - hai ly cà phê mỗi sáng, theo đúng ý thích.
Trên các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến cà phê cũng rất sôi nổi với những bài đăng trao đổi từ người dùng về những công thức, thiết bị pha cà phê thủ công hay liên quan đến việc tìm hiểu nhập môn thú vui này và nó đều nhận lại được sự tương tác, chia sẻ rất lớn từ cộng đồng.
Anh Dũng cười và nói: "Nhiều người bạn của tôi bây giờ không thể uống được cà phê thương mại từ hàng quán bên ngoài, đơn giản là cà phê tự pha chuẩn vị, ngon hơn rất nhiều".
Thiết bị pha cà phê thủ công không chỉ để sử dụng tại nhà. Do chúng có ưu điểm nhỏ gọn và tiện lợi, nhiều người còn mang theo trong những chuyến đi công tác, du lịch với bạn bè hay gia đình.
Họ cùng nhau pha một ly cà phê để thưởng thức, ngắm cảnh và trò chuyện, khiến nó ngày càng phổ biến trong cuộc sống hôm nay.
Trong quá khứ cà phê đã từng là thức uống gây nên nhiều tranh cãi
Vào thế kỷ 16, những loại cà phê đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Ai Cập và khu vực xung quanh Mecca.
Nhanh chóng nó được mọi người chú ý, uống thức uống nổi tiếng này. Họ cùng nhau trò chuyện, trao đổi ý kiến, không phân biệt giới tính, tầng lớp xã hội.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà lãnh đạo đặt câu hỏi về quyền tiêu thụ cà phê.
Như trong Kinh Qur'an nói, bất kỳ chất say nào đều bị cấm tiêu thụ và chính Quốc vương Cairo (Ai Cập) lúc bất giờ đã dỡ bỏ lệnh cấm này với sự ủng hộ từ các lập luận y học và khẳng định việc tiêu thụ cà phê hoàn toàn phù hợp.
Một vấn đề khác là khi các quán cà phê mở ra ở Syria, nó đã thu hút các nhà khoa học và học giả thời bấy giờ.
Bất chấp lệnh cấm, thức uống gây tranh cãi này vẫn tiếp tục được sử dụng và ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới yêu thích.
Dưới vỏ bọc của việc không tuân thủ luật tôn giáo, chính quyền nhiều quốc gia đã thực sự lo sợ khi các quán cà phê không còn là nơi mọi người trò chuyện cuộc sống hằng mà họ còn trao đổi quan điểm chính trị và dần dần làm nảy sinh những luồng tư tưởng mới.
Nhưng bất chấp những rào này, không có gì ngăn cản sự mở rộng và phân phối của cà phê trên toàn thế giới. Ngày nay, nó đã trở thành một trong những thức uống được nhiều người yêu thích.
Theo Dân trí
Giữa nắng nóng gây gắt, TP.HCM tiết kiệm 2,4 tỷ đồng tiền điện mỗi ngày
25/05/2023 18:59Bánh Ấn Độ pani puri gây tò mò tại chợ ăn vặt TP.HCM
25/05/2023 15:22Tập đoàn của tỷ phú quyền lực thứ 4 châu Á muốn đầu tư 10 tỷ USD tại Việt Nam
25/05/2023 13:18