Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Giá vé máy bay neo ở mức cao, du lịch nội địa thêm lo
Từ tháng 3/2024, giá trần vé máy bay chính thức tăng. Theo đó, Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75-6,67%, có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/3.
Hiện nay, với đường bay nội địa, vé máy bay có giá cao nhất lên đến 4 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Theo đại diện một số hãng hàng không, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội tạo điều kiện để cho các hãng hàng không có thể bù đắp được chi phí đã thay đổi trong suốt gần 10 năm qua. Việc điều chỉnh giá trần là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa.
Việc tăng giá trần cùng với sự thiếu hụt tàu bay trong thời gian qua (nhiều hàng phải đem tàu bay đi bảo dưỡng, trả lại tàu bay thuê...) đã khiến vé máy bay tăng nhiệt.
Khảo sát trang bán vé của các hãng, vé máy bay nhiều chặng bay vẫn neo ở mức cao dù đang trong giai đoạn thấp điểm. Đáng chú ý, có đường bay còn cực kì khan hiếm vé, nhiều ngày liền cháy vé không khác gì dịp cao điểm Tết Nguyên đán vừa rồi.
Vé máy bay từ TP.HCM đi Phú Quốc của các hãng Vietjet và Vietnam Airlines giai đoạn cuối tháng 3 đang có giá lần lượt khoảng 1,7 – 1,9 triệu cho hạng vé phổ thông (Eco). Trong khi đó, vé thương gia chặng bay này ở mức 3,5 – 4,3 triệu đồng.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, đường bay TP.HCM – Hải Phòng của hãng Vietnam Airlines đang có giá từ 2,7 – 3,7 triệu cho hạng vé phổ thông và 4,6 – 5,5 triệu cho hạng vé thương gia. Đường bay này đang được hãng Vietjet bán vé với mức giá 1,8 – 2,5 triệu cho hạng vé Eco và 5 triệu cho hạng vé Skyboss.
Trong giai đoạn thấp điểm này, một số đường bay lại đang khan hiếm vé. Đơn cử, đường bay TP.HCM – Vân Đồn lại vô cùng khan hiếm vé máy bay. Hiện tại, trang bán vé của hãng hàng không Vietnam Airlines trong giai đoạn nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2024 chỉ có một số ít ngày là còn vé. Tuy nhiên, trong các ngày còn vé này, hãng chỉ khai thác đúng duy nhất 1 chuyến bay với giá hơn 1,7 triệu cho hạng phổ thông và hơn 4 triệu đồng cho hạng phổ thông.
Giá vé máy bay được đánh giá đang ở mức rất cao dù ngay giai đoạn thấp điểm. Việc giá vé máy bay đắt đỏ nhất khiến nhiều người lao động, công nhân lo lắng sẽ ngày càng khó tiếp cận, sử dụng phương tiện này để di chuyển. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nhà máy, xí nghiệp cắt giảm nhân sự, giảm lương…
Bên cạnh đó, một số đại lý du lịch cho biết họ đang đứng trước nguy cơ ế ẩm do giá tour tăng cao vì chi phí đi lại tăng nên khó tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, cao điểm 30/4 - 1/5 đang đến gần, dự báo giá vé máy bay sẽ còn tăng cao.
"Giá tour được hình thành từ nhiều yếu tố như tiền vé máy bay, khách sạn, ăn uống, vé tham quan... nên việc giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến chi phí du lịch trọn gói. Hiện tại, nhiều khách hàng sau khi tham khảo các tour du lịch trong nước đã có xu hướng "chê đắt". Một số người chọn đi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... để trải nghiệm khá phá thay vì đi các điểm trong nước", anh Hùng (chủ một đại lý du lịch lữ hành tại TP.HCM) cho hay.