Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Giai đoạn hồi phục, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục duy trì
Trong dự báo mới nhất vào cuối tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết.
Trong dự báo tháng 4/2024, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025. Như vậy, cập nhật mới của IMF đã điều chỉnh dự báo từ 5,5% lên gần 6%.
IMF cho rằng xuất khẩu, động lực chính của kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đánh giá là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo IMF, những vấn đề của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng.
Tương tự IMF, ngân hàng UOB (Singapore) cũng nhận định cần có cái nhìn thận trọng đối với 6 tháng cuối năm dù UOB nhấn mạnh đà tăng trưởng tích cực của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với triển vọng kinh tế tiếp tục sáng sủa.
Riêng quý 2 năm nay, UOB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6% nhưng kết quả thực tế là 6,93%. Kết quả này đưa tốc độ tăng trưởng 2 quý đầu lên mức 6,42%, cao hơn nhiều so với mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả tích cực này là tín hiệu lạc quan cho những tháng còn lại của năm 2024 sau năm 2023 đầy khó khăn.
Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh. Hoạt động ngoại thương cũng duy trì tốc độ cao trong quý 2. Đặc biệt doanh số ngành bán dẫn tăng kể từ giữa năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì động lực này trong những quý tới.
Mặc dù kết quả quý 2 vượt kỳ vọng và tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho nửa cuối năm 2024 vẫn được UOB đánh giá với sự thận trọng.
Lý do là do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn của nửa cuối năm 2023, cùng với những rủi ro hiện hữu như xung đột Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng toàn cầu.
"Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho cả năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,0% - 6,5%", UOB cho biết trong báo cáo ngày 2/7.
Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế được nêu ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, để nền kinh tế tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, quý 1 phải tăng trưởng 5,2-5,6%, quý 2 tăng trưởng 5,8-6,2%. Như vậy 6 tháng đầu năm phải đạt là 5,5-6%. Trong 6 tháng cuối năm, quý 3 cần tăng trưởng 6,2-6,7% và quý cần 6,5-7%.
Thực tế, kết quả tăng trưởng quý 1 là 5,66%; kết quả quý 2 là 6,93%. Kết quả 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với kịch bản trong Nghị quyết 01.
CPI tăng quý thứ 5 liên tiếp
Về lạm phát, sự phục hồi của chi tiêu trong nước đã gây áp lực lên giá tiêu dùng. Vì vậy, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) toàn phần của Việt Nam đã tăng trong quý thứ 5 liên tiếp, lên 4,39% trong quý 2 năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái và tiến gần đến ngưỡng trên của Ngân hàng Nhà nước 4,5%.
Đáng chú ý, CPI toàn phần quý 1 năm 2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ.
Trái ngược với lạm phát toàn phần, CPI cơ bản (trừ thực phẩm, năng lượng và hàng hóa do các cơ quan nhà nước quản lý như giáo dục và dịch vụ y tế) đã giảm tốc trong quý thứ 5 xuống còn 2,69% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ.
Theo giải thích của Tổng cục Thống kê, chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn phần, đặc biệt là do sự tăng giá của thịt heo (do dịch tả heo châu Phi cuối năm 2023), điện, các dịch vụ y tế, giáo dục.
Ngân hàng quốc tế Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản (tức 0,05 điểm phần trăm) vào quý 4/2024 trong bối cảnh lạm phát. Yếu tố tỷ giá có thể sẽ làm Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong quý 4 hoặc sớm hơn.
Standard Chartered cho biết các động thái từ Fed (Cục dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương của Mỹ) sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều thị trường trên thế giới đang kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 này, và đây cũng có thể là lần cắt giảm duy nhất trong năm nay.
Khác với Standard Chartered, UOB của Singapore cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.
Về phần mình, IMF nhận định cuối tháng 6 vừa qua rằng lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng. Các chính sách cần tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, điều này đòi hỏi phải cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp.
Theo thời gian, nên tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái song song với hiện đại hóa chính sách tiền tệ hơn nữa theo hướng đặt mục tiêu lạm phát sẽ giúp đối phó với các cú sốc bên ngoài tốt hơn, đồng thời bảo vệ được đệm dự trữ ngoại hối, theo IMF.
Cho cả năm nay, IMF cho rằng lạm phát có thể sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của Ngân hàng Nhà nước.