Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Hà Nội: Bán hàng ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng trả mặt bằng kinh doanh
Chủ nhà đỏ mắt tìm khách thuê mặt bằng
Tại một số tuyến phố trung tâm của Hà Nội như: Tạ Hiện, Hàng Ngang, Bà Triệu... là những địa điểm được ví như là đất vàng của Thủ đô, luôn tập trung đông khách du lịch, buôn bán sầm uất, tấp nập thì nay lại rơi vào tình cảnh đìu hiu với hàng loạt cửa hàng treo biển cho thuê mặt bằng trước nhà.
Chủ một mặt bằng trên phố Tạ Hiện không giấu được nỗi buồn chia sẻ: “Cũng có nhiều khách gọi liên hệ hỏi thuê nhưng khi tôi báo giá xong thì ậm ừ hoặc đến xem cũng đều lắc đầu ra về nên gần một năm nay, mặt bằng này vẫn để trống, chưa có khách thuê”.
Được biết, mặt bằng kinh doanh này gồm 4 tầng, phía trong có diện tích sử dụng khoảng 130m2, gia chủ mong muốn tìm được người một người thuê lại cả căn nhà này với giá 55 triệu đồng/tháng.
Cùng chung cảnh ngộ, dọc các con phố được mệnh danh là “kinh đô thời trang” hút khách nhất Hà Nội như: Chùa Bộc, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trãi…, nhiều cửa hàng cũng đồng loạt treo biển xả hàng, thanh lý, đại hạ giá để sang nhượng mặt bằng.
Liên tục đăng tin cho thuê mặt bằng trên các diễn đàn, anh N.V.A - chủ mặt bằng trên phố Chùa Bộc cho hay: Sau khi khách kinh doanh quần áo trả mặt bằng để chuyển sang địa điểm khác, anh hiện đang tìm khách thuê mặt bằng 1 tầng, diện tích 80m2 với mức giá 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dù đã giảm tiền thuê so với trước nhưng hiện mặt bằng này vẫn chưa có khách chốt cọc.
Đáng nói, không chỉ tại các mặt bằng vàng trên phố cổ giá đắt đỏ không có người thuê mà ngay đến cả các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chợ truyền thống cũng chịu chung số phận.
Chủ cửa hàng thắt chặt hầu bao, ồ ạt trả mặt bằng
Kinh doanh thời trang gần 6 năm nay trên phố Nguyễn Trãi, chị Hồ Mai Linh (35 tuổi) quyết định đóng cửa hàng, trả mặt bằng do buôn bán ế ẩm trong thời gian dài vì giá thuê mặt bằng quá cao và tăng liên tục khiến thu không đủ chi.
“Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chủ nhà có hỗ trợ tiền thuê nhà nên tôi vẫn cố gắng cầm cự. Nhưng ngay sau khi hết dịch, chủ nhà đòi tăng giá lại như trước mà lượng khách lại chưa nhiều nên công việc kinh doanh rất khó khăn. Đến nay, chủ nhà lại tiếp tục đòi tăng tiền thuê nhà trong khi doanh thu tại cửa hàng đã sụt giảm 30-40%. Cộng thêm vốn nhập hàng, thuê nhân viên và các chi phí khác ngày một leo thang khiến tôi buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng và chuyển sang kinh doanh online để tiết kiệm chi phí” - chị Hồ Mai Linh chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Công Đức (Hà Đông) - chủ kinh doanh quán nhậu hơn 10 năm than thở: “Do muốn thay đổi mô hình kinh doanh nên tôi đang nhượng lại mặt bằng kinh doanh quán ăn có diện tích 85m2, mặt tiền rộng 7,8m, song đã rao nhiều ngày nhưng vẫn chưa tìm được người thuê. Hợp đồng thuê nhà chỉ còn 3 tháng, nếu chuyển trước thời hạn thì tôi sẽ mất 23 triệu đồng tiền đặt cọc ban đầu".
Theo anh Đức, chi phí mặt bằng ngốn hết lợi nhuận trong khi lượng khách ngày một ít dần khiến cửa hàng của anh đã liên tục phải bù lỗ, gánh nợ, buôn bán không có lợi nhuận trong thời gian dài.
Trao đổi về vấn đề này, nhân viên môi giới bất động sản Nguyễn Thái Học cho biết, nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh trong giai đoạn hiện nay cũng rất lớn nhưng tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm Hà Nội đang rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ mặt bằng vẫn cố giữ giá cao, nhất quyết không giảm giá cho thuê dù để trống trong thời gian dài. Trong khi tình hình kinh tế khó khăn, đa số người thuê mặt bằng kinh doanh phải cân nhắc về giá thuê và các chi phí cố định đi kèm. Bên cạnh đó, khách hàng đang bắt đầu chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, khiến tỉ lệ bỏ trống mặt bằng kinh doanh tăng cao.
Phân tích về thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong nhận định: Tình trạng này không chỉ xảy ra trên đất phố cổ Hà Nội mà ngay cả những khu đất vàng tại TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Điều này đã phản ánh một phần kết quả của tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn hơn, khiến người dân có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” và kiểm soát chi tiêu gắt gao hơn.
Đây chính là dấu hiệu cho thấy cần có những động thái cần thiết để có sự điều chỉnh về cung cầu và giá cả về mặt bằng này, đồng thời phản ánh sức tiêu thụ của thị trường, khách hàng đang có sự trì trệ.