Hot hot hot:
Đa chiều
Học thầy không tày học bậy?!
Trên chốn võ lâm, thường thì chuyện trò giỏi hơn thầy là điều hạn hữu. Không tin cứ xem hết các bộ phim, đọc hết các bộ truyện chưởng mà xem, đều thấy rõ là sư phụ mang một pho võ công đầy mình, nhưng truyền đến đồ đệ chỉ còn 5-7 phần, đến đồ tôn thì còn kém nữa. Được vài kẻ gọi là “vô tình nhặt được cuốn bí kíp” thì họa may võ công mới cao xấp xỉ hoặc bằng với sư phụ. Dẫn chứng rõ nhất, là do đời sau luôn kém đời trước, nên hiện nay còn mấy người biết được võ công. Nội luyện cho bàn tay cho nóng lên, nhảy cao nhảy xa còn khó, huống hồ là luyện chưởng đánh tan bia vỡ đá hoặc khinh công bay nhảy như chim? Tức là võ học đã suy vi. Hoặc đơn giản, dễ hiểu hơn, là ngày nay có súng đạn, đại bác, tên lửa rồi. Mấy thứ đó thì không môn thần công nào sánh được, nên luyện võ công cũng chẳng còn ích lợi gì nữa.
Nói đi nói lại, để chỉ rõ rằng, trong võ lâm lúc xưa, thì thầy hơn trò luôn là điều hiển nhiên. Thành thử trò bị áp chế, áp chế thì thành định chế, cho nên chuyện khinh sư diệt tổ là chuyện họa hoằn mới xảy ra. Còn kẻ nào dám khinh sư diệt tổ, thì đại khái đã luyện thành một thân công phu ở đâu đó rồi. Đại khái là ra ngoài học ở đâu được cái gì đó, nên về mới láo với tên sư phụ ở nhà. Nhưng số đó ít thôi.
Còn kể, để học võ công cũng nào có phải dễ? Một khi đã nhập môn thì phải coi cha mẹ, anh em trong nhà là thứ yếu. Lúc đó, chỉ có là môn phái, sư phụ, sư nương, sư huynh, sư đệ... đồng môn là quan trọng. Cha mẹ sinh con ra, cưng như trứng mỏng, mà đã nhập môn rồi thì sư phụ đánh mắng cỡ nào cũng phải im (phải im thôi, vì tỷ thí sao lại mà đòi sinh chuyện lôi thôi). Không những thế, đệ tử vi phạm môn quy, thậm chí có thể bị trọng hình, thanh lý môn hộ. Đuổi khỏi môn phái, còn mất mặt hơn là thời nay về hưu còn bị cách chức nữa chứ đùa. Môn phái có chuyện, thì đệ tử phải xả thân mà hỗ trợ. Ấy là cái đạo trong võ học ngay xưa. Mà không riêng gì võ học, học mấy cái khác cũng phải thế, theo thầy học nghệ là coi như gửi gắm cả tương lai, vận mạng cho thầy.
Nhưng như đã nói, võ học ngày nay đã suy vi, trong chữ “võ học”, có cả chữ “học”, và chữ “học” vẫn là phạm trù chính, cũng tương tự như thế. Khỏi có chuyện thầy bảo trò nghe, nghe vẫn nghe, mà làm một nẻo. Khỏi có chuyện đã theo thầy coi như cha mẹ là ở lại, giờ đi học thì vẫn là con cái ở trong nhà, nếu có chuyện gì không nói được với thầy, thì cha mẹ vào nói. Bị thầy cô phạt, thầy cô đánh, thì đã có che mẹ sẵn sàng báo thù, kéo cả đám vào trường làm loạn vì lý do dám đánh con tôi. Võ học, học võ... gì gì, đều bỏ chữ học hết cả, chỉ còn võ thôi. Như ngày xưa, thì thầy luôn hơn trò, trò thành tài rồi có hơn thầy thì cũng là chuyện bình thường. Còn ngày nay, thì có lẽ do thầy chưa ra thầy, trò không ra trò, nên mới thành cớ sự thế.
Bởi vậy:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi. Lời trên là của bài thơ “Cái học nhà nho” của cụ Tú Xương. Dù đã hơn trăm năm, nhưng chỉ cần sửa lại từ “cái học nhà nho đã hỏng rồi” thành “cái học ngày nay đã hỏng rồi”, tưởng, vẫn đúng như khuôn đúc, thậm chí đúng cả cái tứ “đấm ăn xôi”. Đấm thì có rồi đấy, còn có được ăn xôi không, hay lại là xôi hỏng bỏng không?