Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
HoREA kiến nghị khẩn chưa nên ban hành bảng giá đất từ ngày 1/8/2024
Theo HoREA, giá đất của Dự thảo Bảng giá đất tăng phổ biến từ 10-20 lần so với giá đất của Bảng giá đất hiện hành quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM.
Hiệp hội nhận thấy, chưa thật cần thiết ban hành "Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến ngày 31/12/2024.
Bởi lẽ, cuối năm 2023, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai mới và để người dân TP.HCM dần thích ứng, không bị "sốc" với khả năng giá đất sẽ tăng lên theo "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường" nên UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 56/2023/QĐ-UBND ngày 21/12/2023 "quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn TP.HCM".
HoREA cho rằng dự thảo bảng giá đất sẽ có tác động rất lớn đến rất nhiều cá nhân, hộ gia đình khi đề xuất cấp sổ đỏ. Ảnh: Gia Linh
Ngoài ra, Hiệp hội còn quan ngại nhiều tác động của dự thảo bảng giá đất. Cụ thể, giá đất của dự thảo không tác động đến việc "định giá đất cụ thể" để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, bởi lẽ các dự án này không áp dụng bảng giá đất. Tuy nhiên, dự thảo bảng giá đất sẽ có tác động đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do người sử dụng đất sẽ có xu thế đòi bồi thường cao hơn trước đây.
Tuy nhiên, theo HoREA, mức giá của dự thảo bảng giá đất sẽ có tác động rất lớn đến rất nhiều cá nhân, hộ gia đình khi đề xuất cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất".
Ngoài ra, mức giá của dự thảo bảng giá đất sẽ có tác động đến chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trước hết là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên cao hơn, tác động dây chuyền làm tăng giá nhà, giá thuê nhà, tăng chi phí tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp và tại các dự án đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch.
Qua đó, HoREA đề xuất tại thời điểm hiện nay thì TP.HCM chưa cần thiết ban hành dự thảo bảng giá đất mà nên tập trung xây dựng, hoàn thiện "Dự thảo Bảng giá đất lần đầu" để công bố và áp dụng kể từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hiệp hội đề nghị Thành phố tiếp tục đánh giá tác động của "Dự thảo Bảng giá đất lần đầu" đối với các đối tượng chịu tác động sau đây:
Một là đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với người sử dụng đất của hơn 13.000 thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cần "hợp thức hóa" quyền sử dụng các diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đô thị ổn định gắn liền với nhà ở hiện hữu;
Hai là đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nhu cầu đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị, công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức quốc tế về đầu tư đang hoạt động tại nước ta.
Theo dự thảo bảng giá đất: 1 quận và 4 huyện tại TP.HCM có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt có một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần. Cụ thể: mức giá đất tại quận 1 tăng 5 lần; quận 3 tăng 4-9 lần; quận 4 tăng 11 lần; quận 5 và quận 7 tăng 6 lần; quận 6 tăng 5-11 lần; quận 8 tăng 4-18 lần; quận 10 tăng 5-6 lần; quận 11 tăng 4-9 lần; quận 12 tăng 3-33 lần; quận Bình Thạnh tăng 5-13 lần; quận Gò Vấp tăng 7-11 lần; quận Phú Nhuận tăng 7-8 lần; quận Tân Bình tăng 7-12 lần; quận Tân Phú tăng 7-17 lần; quận Bình Tân tăng 9-17 lần; thành phố Thủ Đức tăng 6-35 lần; huyện Hóc Môn tăng 5-51 lần; huyện Củ Chi tăng 9-31 lần; huyện Bình Chánh tăng 2-36 lần; huyện Nhà Bè tăng 7-23 lần; huyện Cần Giờ tăng 8-23 lần.